ĐTC Phanxicô: Không thể chấp nhận sự im lặng che đậy đối với các vụ lạm dụng trẻ em
Hồng Thủy - Vatican News
Hoán cải cá nhân
Theo Đức Thánh Cha, “điều quan trọng là phải theo đuổi việc xác định sự thật và tái lập công lý trong cộng đoàn Giáo hội ngay cả trong những trường hợp mà một số hành vi nhất định không bị coi là tội phạm theo luật quốc gia, nhưng lại bị coi là tội phạm theo giáo luật”.
“Việc chăm sóc các vết thương cũng là một công việc của công lý. Chính vì lý do này, điều quan trọng là phải truy tố những người phạm những tội ác như vậy, thậm chí còn hơn thế nữa nếu trong bối cảnh Giáo hội. Chính họ có nghĩa vụ luân lý là một sự hoán cải cá nhân sâu sắc dẫn đến việc nhận thấy sự bất trung của họ” và “khiêm tốn yêu cầu các nạn nhân tha thứ vì hành động của họ”.
Đức Thánh Cha gợi ý ba hành động để hướng dẫn cho mọi sáng kiến: bảo vệ, lắng nghe và chăm sóc.
Bảo vệ
Trước hết là bảo vệ. Đức Thánh Cha lưu ý phải đảm bảo rằng cả cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương nhất, bởi vì hành động bảo vệ là một phần không thể thiếu trong sứ mạng của Giáo hội trong việc xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa. Bảo vệ có nghĩa là hướng lòng, sự quan tâm và hành động vì người bé nhỏ và yếu thế, nghĩa là “ngăn chặn những cơ hội xấu xa, và điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua các hoạt động đào tạo liên tục, nhằm mục đích truyền bá sự nhạy cảm và sự chú ý đến việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”. Đức Thánh Cha lưu ý rằng theo số liệu thống kê trên thế giới, có khoảng 42 đến 46% các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình hoặc trong khu xóm.
Lắng nghe
Tiếp đến là lắng nghe. Đức Thánh Cha nói: “Lắng nghe nạn nhân là bước cần thiết để phát triển văn hóa phòng ngừa, văn hóa này được hình thành trong việc đào tạo toàn thể cộng đồng, trong việc thực hiện các thủ tục và thực hành tốt, trong sự cảnh giác và trong hành động rõ ràng nhằm xây dựng và canh tân niềm tin. Chỉ lắng nghe nỗi đau của những người phải gánh chịu những tội ác khủng khiếp này mới có thể mở ra tình liên đới và thúc đẩy chúng ta làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng việc lạm dụng không tái diễn... Biết lắng nghe là quan tâm đến nạn nhân”.
Chữa lành
Cuối cùng, theo Đức Thánh Cha, “chỉ khi đi theo con đường quan tâm và lắng nghe thì mới có thể chữa lành được. Trước hết là với nạn nhân nhưng cũng với các thủ phạm”. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói: “Chính họ có nghĩa vụ luân lý là hoán cải cá nhân sâu sắc, dẫn đến việc nhận thấy sự bất trung trong ơn gọi của mình, tiếp tục lại đời sống thiêng liêng và khiêm tốn cầu xin sự tha thứ từ các nạn nhân vì những lỗi lầm của họ”. (CSR_4644_2023)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.