ĐTC thăm Venezia: Thánh Lễ tại quảng trường thánh Máccô

Hoạt động cuối cùng trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Venezia là thánh lễ tại Quảng trường thánh Maccô với khoảng 10.500 tín hữu. Đức Thánh Cha đến quảng trường lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ V Phục Sinh với bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói: Thầy là cây nho, anh em là cành, ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.

Vatican News

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúa Giêsu là cây nho, chúng ta là cành. Và Thiên Chúa, Người Cha nhân hậu và tốt lành, làm việc với chúng ta như một người nông dân kiên nhẫn để cuộc sống của chúng ta sinh nhiều hoa trái. Vì thế, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy bảo vệ món quà vô giá là sự liên kết với Người, vì sự sống và hoa trái của chúng ta phụ thuộc vào đó. Người lặp đi lặp lại: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. […] Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4). Chỉ những ai tiếp tục hiệp nhất với Chúa Giêsu mới sinh hoa trái. Chúng ta dừng lại ở điểm này.

Chúa Giêsu sắp kết thúc sứ mạng trần thế của Người. Trong Bữa Tiệc Ly với các tông đồ, cùng với Bí tích Thánh Thể, Người ban cho họ một số lời quan trọng. Một trong những lời đó là: “ở lại”, giữ cho mối liên kết với Thầy được sống động, giữ sự hiệp nhất với Thầy như cành với cây nho. Bằng cách sử dụng hình ảnh này, Chúa Giêsu sử dụng một ẩn dụ Kinh thánh mà dân chúng đã biết rõ và họ cũng gặp khi cầu nguyện, như trong thánh vịnh nói: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại / tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem / xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (Tv 80,15). Israel là vườn nho được Chúa trồng và chăm sóc. Và khi dân chúng không sinh hoa trái tình yêu như Chúa mong đợi, thì tiên tri Isaia đưa ra lời buộc tội bằng dụ ngôn người nông dân làm vườn nho của mình, dọn sạch đá và trồng những cây nho quý để sinh ra rượu ngon, nhưng ngược lại nó chỉ tạo ra nho chua. Và vị tiên tri kết luận: “Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh / chính là nhà Ít-ra-en đó ; / cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, / ấy chính là người xứ Giu-đa. / Người những mong họ sống công bằng, / mà chỉ thấy toàn là đổ máu ; /đợi chờ họ làm điều chính trực, / mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7). Chính Chúa Giêsu, dùng lời ngôn sứ Isaia, kể dụ ngôn đầy bi kịch về những tá điền giết người, cho thấy sự tương phản giữa công việc kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự từ chối của dân Người (xem Mt 21,33-44).

Vì vậy, ẩn dụ về cây nho, diễn tả sự yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với chúng ta, mặt khác, lại cảnh báo chúng ta, bởi vì, nếu chúng ta cắt đứt mối liên kết này với Chúa, chúng ta không thể sinh ra hoa trái là một cuộc sống tốt lành và chính chúng ta có nguy cơ trở thành những cành nho khô và bị quăng đi.

Anh chị em thân mến, theo hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng, tôi cũng nghĩ đến lịch sử lâu đời liên kết Venezia với công việc của những vườn nho và việc sản xuất rượu nho, với sự cần mẫn của nhiều người làm rượu nho và với vô số vườn nho trên các đảo của Vịnh và trong các khu vườn giữa các con đường của thành phố, và với công việc của các đan sĩ sản xuất rượu nho cho cộng đoàn của họ. Trong ký ức này về nho và rượu, không khó để hiểu sứ điệp của dụ ngôn về cây và cành nho: niềm tin vào Chúa Giêsu, sự liên kết với Người không giam cầm sự tự do của chúng ta, nhưng trái lại, mở ra cho chúng ta đón nhận nhựa tình yêu của Thiên Chúa, là thứ làm nhân lên niềm vui của chúng ta, chăm sóc chúng ta với sự cần mẫn của một người làm rượu giỏi và làm cho những mầm non mọc lên ngay cả khi mảnh đất cuộc đời chúng ta trở nên khô cằn. Nhiều lần trái tim của chúng ta trở nên khô cằn.

Nhưng ẩn dụ xuất phát từ trái tim của Chúa Giêsu cũng có thể được đọc bằng cách nghĩ về thành phố được xây dựng trên mặt nước này, và được nhận biết, bởi tính độc đáo của nó, là một trong những nơi mang lại nhiều cảm xúc nhất trên thế giới. Venezia là một thành phố nổi mọc lên từ nước, và nếu không có sự chăm sóc và bảo vệ cho khung cảnh tự nhiên này, thì nó thậm chí có thể không còn tồn tại. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy: chúng ta cũng vậy, luôn được dìm mình trong những nguồn tình yêu của Thiên Chúa, đã được tái sinh trong Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tái sinh vào cuộc sống mới nhờ nước và Chúa Thánh Thần và được tháp nhập vào Chúa Kitô như những cành nho. Nhựa của tình yêu này chảy trong chúng ta, nếu không có nhựa, chúng ta sẽ trở thành những cành khô không sinh hoa trái. Chân phước Gioan Phaolô I, khi còn là Thượng phụ của thành phố này, đã từng nói rằng Chúa Giêsu “đã đến để mang lại sự sống đời đời cho loài người […]”. Và ngài nói tiếp: “Sự sống đó ở trong Người và truyền từ Người cho các môn đệ, như nhựa được đẩy lên thân rồi đến cành. Đó là nguồn nước mát mà Chúa ban, một nguồn nước không ngừng tuôn chảy” (A. LUCIANI, Venezia 1975-1976. Tác phẩm Toàn tập. Các bài phát biểu, bài viết, bài báo, tập VII, Padua 2011, 158).

Anh chị em thân mến, đây mới là điều quan trọng: ở lại trong Chúa, ở trong Người. Và động từ này - ở lại - không nên được hiểu như một điều gì đó tĩnh tại, như thể muốn nói chúng ta hãy ở yên, đứng lại trong sự thụ động; thực tế, động từ này - ở lại - mời gọi chúng ta di chuyển, bởi vì ở lại trong Chúa có nghĩa là lớn lên trong mối tương quan với Người, đối thoại với Người, đón nhận Lời Người, bước theo Người trên con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa. Do đó, đây là việc để mình bước theo sau Người, để cho mình được chất vấn bởi Tin Mừng của Người và trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng ai ở lại trong Người thì sinh hoa trái. Và đây không phải là bất kỳ loại trái cây nào! Trái của những cành có nhựa lưu thông là trái nho, và trái nho làm nên rượu nho, đó là một dấu chỉ thiên sai tuyệt hảo. Thật vậy, Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai được Chúa Cha sai đến, đã mang rượu tình yêu của Thiên Chúa vào tâm hồn con người và làm cho họ tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Anh chị em thân mến, đây là hoa trái mà chúng ta được kêu gọi mang lại trong cuộc sống, trong các mối tương quan của chúng ta, ở những nơi chúng ta thường lui tới hàng ngày, trong xã hội của chúng ta, trong công việc của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào thành phố Venezia ngày nay, chúng ta ngưỡng mộ vẻ đẹp kỳ diệu của nó, nhưng chúng ta cũng lo lắng về nhiều vấn đề đang đe dọa nó: biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến vùng nước của vịnh này và lãnh thổ của nó; sự mong manh của các tòa nhà, của các di sản văn hóa cũng như của con người; khó khăn trong việc tạo ra một môi trường theo tiêu chuẩn con người thông qua quản lý du lịch thích hợp; và mọi thứ khác tạo ra nguy cơ rạn nứt về mặt quan hệ xã hội, chủ nghĩa cá nhân và sự cô đơn.

Và chúng ta, những Kitô hữu, là những cành nho hợp nhất với thân nho, vườn nho của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc nhân loại và đã tạo dựng thế giới như một khu vườn để chúng ta có thể lớn lên và sinh hoa trái. Với tư cách là các Kitô hữu, chúng ta đáp lại thế nào? Bằng cách luôn hiệp nhất với Chúa Kitô, chúng ta sẽ có thể mang những hoa trái của Tin Mừng vào thực tại mà chúng ta đang sống: hoa trái của công bằng và hòa bình, hoa trái của tình liên đới và sự quan tâm lẫn nhau; những lựa chọn cẩn thận để bảo vệ di sản môi trường cũng như di sản nhân loại: đừng quên di sản nhân loại, nhân loại lớn của chúng ta mà Thiên Chúa trao để cùng bước đi với chúng ta; chúng ta cần các cộng đoàn Kitô hữu, các khu dân cư, các thành phố của chúng ta, trở thành những nơi hiếu khách, thân thiện và hòa nhập. Và Venezia, nơi luôn là nơi gặp gỡ và trao đổi văn hóa, được mời gọi trở thành một dấu chỉ vẻ đẹp mà tất cả mọi người có thể tiếp cận, bắt đầu từ điều nhỏ nhất, là dấu hiệu của tình huynh đệ và sự quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta. Venezia, vùng đất tạo nên huynh đệ. Xin cảm ơn!

Kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đi vòng quanh chào thăm các tín hữu tại quảng trường, sau đó, ngài trở lại nhà tù Giudecca để bay bằng trực thăng trở về Vatican.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

28 tháng tư 2024, 13:49