Tìm kiếm

Kinh Truyền Tin lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Sau khi dâng thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ngài có một bài huấn dụ ngắn về hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

Vatican News

Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, lễ trọng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, trong Tin Mừng Chúa Giêsu nói với ông Simon, mà Người đặt tên là Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19). Đây là lý do tại sao chúng ta thường thấy Thánh Phêrô được trình bày với hai chiếc chìa khóa lớn trong tay, như bức tượng ở Quảng trường này. Những chiếc chìa khóa đó tượng trưng cho thừa tác vụ thẩm quyền mà Chúa Giêsu đã giao phó cho ngài để phục vụ toàn thể Giáo hội. Bởi vì thẩm quyền là một việc phục vụ, thẩm quyền không phải là để được phục vụ, không phải độc tài.

Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận để hiểu rõ ý nghĩa của tất cả những điều này. Thật vậy, chìa khóa của Phêrô là chìa khóa Nước Trời, mà Chúa Giêsu không ví như một két sắt hay một căn phòng bọc thép, nhưng bằng những hình ảnh khác: một hạt giống nhỏ, một viên ngọc quý, một kho báu giấu kín, một nắm men ( xem Mt 13,1-33), nghĩa là, như một điều gì đó quý giá và giàu sang, nhưng đồng thời lại nhỏ bé và kín đáo. Vì thế, để đạt được điều đó, điều cần thiết không phải là kích hoạt các cơ chế và ổ khóa bảo mật nhưng là trau dồi những đức tính như kiên nhẫn, để tâm, kiên trì, khiêm tốn và phục vụ.

Vì vậy, sứ mạng mà Chúa Giêsu giao phó cho Phêrô không phải là chặn cửa nhà, chỉ cho phép một số ít khách được chọn vào nhà, nhưng là giúp mọi người tìm được lối vào, trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Tất cả, tất cả đều có thể vào.

Và Phêrô sẽ làm như vậy trong suốt cuộc đời của mình, một cách trung thành, cho đến khi tử đạo, sau khi chính mình kinh nghiệm được, dù với những khó khăn và nhiều lần sa ngã, niềm vui và sự tự do nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa. Trước tiên, để mở cửa cho Chúa Giêsu, ông phải hoán cải, và hiểu rằng thẩm quyền là một sự phục vụ, và điều đó không hề dễ dàng đối với ông. Chúng ta hãy nghĩ đến câu chuyện: ngay sau khi ông nói với Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô”, thì Thầy đã phải quở trách ông vì ông không chịu chấp nhận lời tiên báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên thập giá (xem Mt 16,21-23).

Phêrô nhận được chìa khóa Nước Trời không phải vì ông là người hoàn hảo, không, là một tội nhân; nhưng vì ông khiêm nhường và trung thực, và Chúa Cha đã ban cho ông một đức tin chân thực (x. Mt 16:17). Vì vậy, khi phó thác bản thân cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Phêrô đã có thể nâng đỡ và củng cố anh em mình, như ông đã được yêu cầu (xem Lc 22,32).

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: tôi có nuôi dưỡng, với ân sủng của Thiên Chúa, ước muốn bước vào Nước của Người, trở thành người bảo vệ chào đón người khác không? Và để làm được điều này, tôi có để mình được “mài dũa”, làm mềm mại, được uốn nắn bởi Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người, Đấng sống trong chúng ta, mỗi người chúng ta không?

Xin Mẹ Maria, Nữ vương các Tông đồ, và các Thánh Phêrô và Phaolô, qua lời cầu bầu của các ngài, giúp chúng ta trở thành người hướng dẫn và nâng đỡ lẫn nhau đến gặp gỡ Chúa Giêsu.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

29 tháng sáu 2024, 14:01

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >