Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ tại Trieste: scandal của đức tin
Vatican News
Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 14 thường niên. Có 98 giám mục và 260 linh mục đồng tế với Đức Thánh Cha. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các giám mục và mục sư từ các Giáo hội Chính thống Serbia, Chính thống giáo Hy Lạp và Tin lành Luther.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Để đánh thức lại niềm hy vọng của những tấm lòng tan vỡ và trợ giúp những khó khăn trên hành trình, Thiên Chúa luôn cho xuất hiện những vị ngôn sứ trong dân Người. Tuy nhiên, như Bài đọc 1 hôm nay kể cho chúng ta về các biến cố của ngôn sứ Êdêkien, các ngôn sứ thường gặp những dân nổi loạn, “những đứa con cứng đầu cứng cổ” (Ed 2,4), và các ngôn sứ đã bị loại trừ.
Chúa Giêsu cũng trải qua kinh nghiệm tương tự như các ngôn sứ. Người trở về quê hương Nazareth, giữa những người cùng lớn lên với Người, nhưng Người không được nhìn nhận, thậm chí còn bị từ chối: “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu trở thành “scandal” đối với họ (Mc 6,3), nhưng từ “scandal” không ám chỉ điều gì thô tục hay khiếm nhã như chúng ta dùng ngày nay; “scandal” có nghĩa là “một tảng đá chắn đường”, tức là một cản vật, một trở ngại, một điều gì đó ngăn trở bạn tiến xa hơn. Chúng ta hãy tự hỏi: đâu là cản vật ngăn trở chúng ta tin vào Chúa Giêsu?
Lắng nghe những lời bàn tán của bà con lối xóm với Người, chúng ta thấy rằng họ chỉ dừng lại ở lịch sử trần thế, nguồn gốc gia đình của Người và do đó, họ không thể giải thích được làm sao con bác thợ mộc Giuse, một người bình thường, lại có sự khôn ngoan và cả khả năng làm những phép lạ như thế. Khi đó, scandal là nhân tính của Chúa Giêsu. Trở ngại ngăn cản những người này nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là sự thật rằng Đức Giêsu là con người, chỉ đơn giản là con ông Giuse thợ mộc: làm sao Thiên Chúa, Đấng toàn năng, có thể tỏ mình nơi thân xác mỏng dòn của một con người? Làm sao một Thiên Chúa toàn năng và mạnh mẽ, Đấng đã tạo dựng trời đất và giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ, lại có thể trở nên yếu đuối đến mức nhập thể nơi thân xác và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ? Đây là scandal – là điều gây cản trở.
Anh chị em thân mến, đức tin được xây trên một Thiên Chúa con người, Đấng hạ mình xuống trước nhân loại, chăm sóc nhân loại, cảm động trước những vết thương của chúng ta, gánh lấy sự mệt mỏi của chúng ta, và tự bẻ mình ra cho chúng ta. Người là vị Thiên Chúa mạnh mẽ và quyền năng luôn ở bên tôi và làm thoả lòng tôi; Người cũng là vị Thiên Chúa yếu đuối, một Thiên Chúa chết trên thập giá vì tình yêu và cũng xin tôi vượt qua mọi ích kỷ và hiến dâng cuộc sống cho phần rỗi của thế giới; và đây là một scandal.
Tuy nhiên, khi đặt mình trước Chúa Giêsu và nhìn vào những thách đố đang chất vấn chúng ta, về nhiều vấn đề xã hội và chính trị cũng được thảo luận trong Tuần lễ Xã hội này, về đời sống cụ thể của dân tộc chúng ta và về những khó nhọc của nó, chúng ta có thể nói rằng ngày nay chúng ta chính xác cần scandal này. Chúng ta cần scandal của đức tin. Chúng ta không cần một tôn giáo khép kín, ngước mắt lên trời mà không quan tâm đến những gì xảy ra trên trái đất, và cử hành các phụng vụ trong đền thờ trong khi quên đi bụi bặm bay trên các con đường của chúng ta. Ngược lại, chúng ta cần scandal của đức tin, một đức tin bắt nguồn từ Thiên Chúa làm người, và do đó, một đức tin nhân bản, một đức tin xác thịt, đi vào lịch sử, chạm đến đời sống con người, một đức tin chữa lành những con tim tan vỡ, một đức tin trở thành men hy vọng và hạt mầm của một thế giới mới. Đó là một đức tin đánh thức lương tâm khỏi tình trạng hôn mê của họ, đặt ngón tay vào những vết thương, vào những vết thương của xã hội, vốn rất nhiều, một đức tin đặt ra những câu hỏi về tương lai của con người và lịch sử; đó là một đức tin không tĩnh tại, và chúng ta cần sống một cuộc sống không tĩnh tại, một đức tin chuyển động từ trái tim này sang trái tim khác, một đức tin đón nhận những vấn đề của xã hội từ bên ngoài, một đức tin không tĩnh tại giúp vượt qua sự tầm thường và lười biếng của trái tim, trở thành một cái gai đâm vào da thịt của một xã hội thường bị chủ nghĩa tiêu thụ làm tê liệt và choáng váng.
Và tôi muốn dừng ở vấn đề này một chút... Nói rằng xã hội của chúng ta bị chủ nghĩa tiêu thụ làm cho tê liệt và choáng váng, bạn hãy nghĩ xem liệu chủ nghĩa tiêu thụ có đi vào trái tim bạn không? Nỗi lo lắng về việc có, có nhiều thứ, có nhiều hơn nữa, và nỗi lo về việc lãng phí tiền bạc. Chủ nghĩa tiêu thụ là một bệnh dịch, một căn bệnh ung thư: nó làm con tim bạn phát bệnh, nó khiến bạn trở nên ích kỷ, nó khiến bạn chỉ biết nhìn vào chính mình. Anh chị em thân mến, trên hết, chúng ta cần một đức tin thay thế những toan tính ích kỷ của con người, một đức tin tố cáo sự ác, chỉ ra những bất công, làm xáo trộn âm mưu của những kẻ núp dưới bóng quyền lực, lợi dụng kẻ yếu đuối. Và có bao nhiêu người - như chúng ta biết - sử dụng đức tin để bóc lột con người. Đó không phải là đức tin.
Một nhà thơ ở thành phố này, mô tả trong lời bài hát khi ông trở về nhà hằng đêm, rằng ông băng qua một con phố hơi tối tăm, một nơi xuống cấp nơi con người và hàng hóa của bến cảng chỉ là “những mảnh vụn”, nghĩa là rác thải của nhân loại; tuy nhiên ngay tại đây, ông viết thế này: “Khi đi ngang qua, tôi tìm thấy sự vô hạn trong sự khiêm nhường”, bởi vì cô gái điếm và người thủy thủ, người phụ nữ đang cãi vã và người lính, “đều là những thụ tạo của cuộc đời và nỗi đau; Chúa hoạt động trong họ, cũng như trong tôi” (U. SABA, “Città Vecchia”, trong Tập bài hát (1900-1954) bản sau cùng, Turino, Einaudi, 1961). Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa ẩn mình trong những góc tối của cuộc sống của thành phố chúng ta, anh chị em có nghĩ đến điều này không? Đến những góc tối trong cuộc sống của thành phố chúng ta? Sự hiện diện của Thiên Chúa được bộc lộ nơi chính những khuôn mặt bị phờ phạt vì đau khổ và nơi mà sự suy đồi dường như đang chiến thắng. Sự vô hạn của Thiên Chúa ẩn giấu trong nỗi khốn khổ của con người, Chúa hoạt động và hiện diện, và Người hiện diện thân thiết ngay trong thân xác bị thương tích của những người rốt cùng, những người bị lãng quên và bị loại bỏ. Nơi đó, Chúa thể hiện chính mình. Và chúng ta đôi khi bị sốc một cách vô ích bởi nhiều điều nhỏ nhặt. Ngược lại chúng ta nên tự hỏi: tại sao chúng ta không bị sốc khi đối diện với sự ác đang lan rộng, với cuộc sống bị sỉ nhục, với những vấn đề về công việc, những đau khổ của người di cư? Tại sao chúng ta vẫn thờ ơ và dửng dưng trước những bất công của thế giới? Tại sao chúng ta không bận tâm đến hoàn cảnh của các tù nhân, cũng đang vang lên từ thành phố Trieste này như một tiếng kêu đau khổ? Tại sao chúng ta không chiêm ngắm những nỗi khốn cùng, sự đau đớn, sự gạt bỏ của biết bao người dân trong thành phố? Chúng ta sợ, chúng ta sợ gặp Chúa Kitô ở đó.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã sống lời tiên tri của cuộc sống thường nhật trong chính thân xác của mình, Người đi vào cuộc sống và câu chuyện đời thường của con người, thể hiện lòng thương xót trong các sự việc, và Người đã tỏ cho thấy Thiên Chúa, Đấng có lòng thương xót. Và vì lý do đó, người ta đã vấp ngã vì Người. Người trở thành một chướng ngại vật, bị khước từ đến mức bị xét xử và kết án; tuy nhiên, Người vẫn trung thành với sứ mạng của mình, không ẩn sau thái độ nước đôi, không chấp nhận logic của quyền lực chính trị và tôn giáo. Với cuộc sống mình, Người đã hiến dâng tình yêu cho Chúa Cha. Chúng ta những Kitô hữu cũng vậy: chúng ta được mời gọi trở thành những ngôn sứ và những chứng nhân của Nước Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh sống, ở mọi nơi chúng ta sống.
Anh chị em thân mến, từ thành phố Trieste này, nhìn về Châu Âu, nơi giao nhau của các dân tộc và văn hóa, một vùng đất biên cương, chúng ta nuôi dưỡng giấc mơ về một nền văn minh mới được xây dựng trên hòa bình và tình huynh đệ; xin vui lòng, đừng sốc về Chúa Giêsu, nhưng trái lại, chúng ta hãy phẫn nộ trước tất cả những tình huống trong đó cuộc sống bị chà đạp, bị thương tích và giết chết; chúng ta mang theo lời ngôn sứ của Tin Mừng trong xác thịt chúng ta, bằng những chọn lựa của chúng ta, thậm chí trước cả lời nói. Đó là sự nhất quán giữa chọn lựa và lời nói. Và với Giáo Hội Trieste này, tôi muốn nói: hãy tiến bước! Hãy tiếp tục dấn thân ở tiền tuyến để loan truyền Tin Mừng hy vọng, đặc biệt đối với những người đến từ tuyến đường Balkan và với tất cả những người, về thể xác hay tinh thần, cần được khuyến khích và an ủi. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân: để khi tái khám phá ra rằng chính mình được Chúa Cha yêu thương, chúng ta có thể sống như tất cả là anh chị em. Tất cả là anh chị em, với nụ cười chào đón và sự bình an trong tâm hồn. Xin cảm ơn.
Kinh Truyền Tin và Phép lành cuối lễ
Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã cảm ơn người dân Trieste và những người đã chuẩn bị cho chuyến viếng thăm, và ngài cũng khuyến khích thành phố Trieste, vốn có ơn gọi tạo nên cuộc gặp gỡ của nhiều dân tộc khác nhau, đón nhận những thách đố để biết kết hợp giữa cởi mở và ổn định, giữa chào đón và căn tính.
Đức Thánh Cha cũng xin mọi người cầu nguyện cho những hoạt động hoà bình cho Ucraina, Palestine, Israel, Sudan, Myanmar và các dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh.
Sau cùng, Đức Thánh Cha cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và ban phép lành cuối lễ.
Kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đến bến cảng Audace của Trieste và lên trực thăng trở về Vatican.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.