Diễn văn của ĐTC Phanxicô tại buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Bỉ
Vatican News
Nhà Vua,
Ngài Thủ tướng,
Các anh em giám mục,
Các nhà chức trách,
Quý bà quý ông thân mến,
Xin cảm ơn Nhà Vua về những lời chào đón chân thành. Tôi rất vui khi được đến thăm Bỉ. Khi nghĩ đến đất nước này, điều hiện lên trong tâm trí tôi là một điều gì đó nhỏ bé nhưng to lớn, một đất nước ở phía tây nhưng đồng thời cũng là trung tâm, như thể Bỉ là trái tim đang đập của một sinh vật khổng lồ.
Thực vậy, sẽ là sai lầm khi đánh giá chất lượng của một quốc gia dựa trên kích thước địa lý. Bỉ không phải là một quốc gia rộng lớn, nhưng lịch sử đặc biệt của quốc gia có tác động mạnh mẽ. Ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các dân tộc châu Âu mệt mỏi và chán nản, bắt đầu con đường bình định, hợp tác và hội nhập nghiêm túc, đã coi Bỉ là địa điểm tự nhiên của các tổ chức chính của châu Âu. Do thực tế đất nước nằm trên đường đứt gãy giữa thế giới Đức và thế giới Latinh, giáp ranh với Pháp và Đức, hai quốc gia thể hiện rõ nhất những lý tưởng dân tộc chủ nghĩa đối lập trong cuộc xung đột, Bỉ xuất hiện như một địa điểm lý tưởng, gần như là nơi tổng hợp của châu Âu, từ đó tái khởi động công cuộc tái thiết về thể chất, đạo đức và tinh thần.
Có thể nói Bỉ là cầu nối giữa lục địa và quần đảo Anh, giữa các vùng nói tiếng Đức và tiếng Pháp, giữa Nam và Bắc Âu. Một cây cầu cho phép sự hòa hợp lan toả và tranh chấp lùi bước. Một cầu nối nơi mọi người, với ngôn ngữ, cách nghĩ và niềm tin riêng có thể gặp những người khác và trò chuyện, đối thoại, chia sẻ như phương tiện tương tác lẫn nhau. Một nơi người ta học cách tạo nên căn tính của mình không phải là thần tượng hay rào cản, nhưng là một không gian chào đón, để bắt đầu và quay trở lại, nơi thúc đẩy những trao đổi giá trị và cùng nhau tìm kiếm sự ổn định xã hội mới, xây dựng những thoả thuận mới. Một cây cầu thúc đẩy thương mại, kết nối và cho phép các nền văn minh đối thoại. Do đó một cây cầu không thể thiếu để xây dựng hoà bình và từ khước chiến tranh.
Như thế, dễ hiểu tại sao Bỉ nhỏ bé nhưng thực sự to lớn. Châu Âu cần Bỉ để nhắc nhớ rằng lịch sử của mình bao gồm các dân tộc và nền văn hóa, nhà thờ và trường đại học, thành tựu của sự khéo léo con người, nhưng cũng có nhiều cuộc chiến tranh và ý chí thống trị mà đôi khi dẫn đến chủ nghĩa thực dân và bóc lột.
Châu Âu cần Bỉ để tiếp tục con đường hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc. Đất nước này nhắc nhở mọi người rằng, khi - dựa trên những lý do đa dạng và không thể bảo vệ nhất – người ta bắt đầu không tôn trọng biên giới và hiệp ước nữa, đồng thời để lại quyền tạo ra luật về vũ khí, đảo lộn luật hiện hành, người ta mở nắp hộp Pandora và mọi cơn gió bắt đầu thổi dữ dội, làm rung chuyển ngôi nhà và đe dọa phá hủy nó. Trong thời điểm lịch sử này, tôi tin rằng Bỉ có một vai trò rất quan trọng. Chúng ta dường như đang tiến gần một cuộc chiến tranh thế giới.
Thực ra, hòa hợp và hòa bình không phải là một cuộc chinh phục đạt được một lần cho mãi mãi, mà là một nhiệm vụ và sứ vụ không ngừng cần được vun trồng, được chăm sóc một cách kiên nhẫn. Thực tế, khi con người không còn nhớ về quá khứ và những bài học giá trị của quá khứ, họ đang đối diện với nguy cơ lại một lần nữa tụt hậu, ngay cả khi đã tiến lên, quên đi những đau khổ và cái giá khủng khiếp mà các thế hệ trước phải trả. Trong điều này, ký ức không hoạt động.
Theo nghĩa này, hơn bao giờ hết Bỉ quý giá trong việc duy trì ký ức về lục địa châu Âu. Thật vậy, quốc gia này cung cấp một lý lẽ không thể chối cãi cho sự phát triển hoạt động văn hóa, xã hội và chính trị kịp thời và liên tục, đồng thời can đảm và thận trọng loại trừ khỏi tương lai ý tưởng và thực hành chiến tranh như một lựa chọn khả thi với những hậu quả thảm khốc.
Lịch sử, thầy dạy cuộc sống thường không được chú ý, và lịch sử Bỉ kêu gọi châu Âu tiếp tục con đường của mình, tìm lại bộ mặt thật của mình, tái đầu tư vào tương lai bằng cách mở lòng đón nhận sự sống, hy vọng, vượt qua mùa đông nhân khẩu học và đau khổ của chiến tranh! Và trong thời điểm này có hai tai họa. Địa ngục của chiến tranh, chúng ta đang chứng kiến, có thể biến thành một cuộc chiến tranh thế giới; và mùa đông nhân khẩu học. Về điều này chúng ta phải thực tế: cần phải sinh con!
Khi làm chứng cho đức tin vào Chúa Kitô Phục sinh, Giáo hội Công giáo mong muốn trở thành một sự hiện diện mang đến cho các cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia một niềm hy vọng vừa xa xưa vừa mới mẻ. Một sự hiện diện giúp mọi người đối diện với những thách đố và khó khăn, không phải với sự nhiệt tình dễ dãi hay bi quan ảm đạm, nhưng với sự chắc chắn rằng nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương, có một ơn gọi đời đời về hoà bình và sự tốt lành, chứ không phải bị dẫn đến số phận tan rã và hư vô.
Hướng mắt về Chúa Giêsu, Giáo hội luôn nhận ra mình như người môn đệ, bước theo Thầy với sự lo sợ và run rẩy khi biết rằng mình thánh thiện vì được Chúa thiết lập, nhưng đồng thời cũng cảm nghiệm sự mong manh và thiếu sót của các thành viên, những người không bao giờ hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó vì luôn vượt quá khả năng của họ.
Giáo hội loan báo Tin Mừng có thể lấp đầy trái tim chúng ta bằng niềm vui. Qua các hoạt động bác ái và vô số chứng từ về tình yêu dành cho người khác, Giáo hội tìm cách đưa ra những dấu chỉ cụ thể và đáng tin cậy về tình yêu thúc đẩy mình. Tuy nhiên, Giáo hội luôn sống trong một nền văn hóa cụ thể, trong tâm thức của một thời đại cụ thể mà đôi khi Giáo hội giúp định hình hoặc đôi khi Giáo hội phải tuân theo; và các thành viên của Giáo hội không phải lúc nào cũng hiểu và sống sứ điệp của Tin Mừng trong tất cả sự thuần khiết và trọn vẹn của sứ điệp này.
Trong sự tồn tại lâu năm giữa ánh sáng và bóng tối này, Giáo hội thực hiện sứ vụ của mình, thường với những mẫu gương về lòng quảng đại và sự tận tụy chân thành, nhưng đáng buồn thay, đôi khi lại có những phản chứng đau đớn. Tôi muốn nói đến những trường hợp bi thảm về lạm dụng trẻ em, đây là một tai ương mà Giáo hội đang giải quyết một cách kiên quyết và dứt khoát bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới.
Anh chị em, điều này thật xấu hổ! Chúng ta phải cùng nhau giải quyết vấn đề và cầu xin tha thứ: xấu hổ của lạm dụng, lạm dụng trẻ em. Chúng ta nghĩ đến thời của những vị thánh vô tội và nói: "Thật là một thảm kịch, vua Hêrôđê đã làm gì", nhưng ngày nay cũng trong Giáo hội có tội ác này và Giáo hội phải xấu hổ và xin sự tha thứ, và cố gắng giải quyết tình trạng này bằng sự khiêm nhường Kitô giáo. Và làm mọi sự có thể để điều này không xảy ra nữa. Có người nói với tôi: "Nhưng thưa Đức Thánh Cha, theo thống kê, phần lớn các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình hoặc trong khu phố hoặc trong thế giới thể thao, trong trường học", nếu chỉ một vụ lạm dụng là đủ để xấu hổ. Trong Giáo hội, chúng ta phải xin tha thứ cho điều này, những người khác cũng phải xin tha thứ. Đây là sự xấu hổ và sỉ nhục của chúng ta.
Về vấn đề này, tôi rất buồn trước hiện tượng “nhận con nuôi ép buộc” cũng diễn ra ở Bỉ vào giữa những năm 1950 và 1970. Trong những câu chuyện đau buồn này, chúng ta thấy trái đắng của hành vi sai trái và tội phạm đã hòa lẫn vào quan điểm không may đang thịnh hành ở mọi tầng lớp xã hội vào thời điểm đó, đến mức nhiều người tin vào lương tâm cho rằng đang làm điều gì đó tốt cho cả em bé và người mẹ. Thông thường, gia đình và các tác nhân xã hội khác, kể cả Giáo hội, nghĩ rằng để xóa bỏ sự kỳ thị tiêu cực, không may ảnh hưởng đến người mẹ chưa lập gia đình vào thời đó, tốt hơn là nên cho con nuôi vì lợi ích của cả hai, mẹ và con. Thậm chí có trường hợp một số phụ nữ không được lựa chọn giữ con hay giao cho người khác làm con nuôi.
Là người kế vị Thánh Phêrô, tôi cầu xin Chúa cho Giáo hội luôn tìm thấy trong mình sức mạnh để làm sáng tỏ và không bao giờ tuân theo nền văn hóa thống trị, ngay cả khi nền văn hóa đó sử dụng một cách thao túng các giá trị bắt nguồn từ Tin Mừng, nhưng lại rút ra từ đó những kết luận không chân thực, gây đau khổ và loại trừ.
Tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, bằng cách nhìn vào Bỉ và lịch sử của nước này, để có thể học hỏi từ nước này, và nhờ đó cứu dân mình khỏi những bất hạnh và đau khổ vô tận. Tôi cũng cầu nguyện để những người cầm quyền biết đảm nhận trách nhiệm, rủi ro và danh dự của hòa bình, cũng như biết cách tránh nguy hiểm, sự ô nhục và phi lý của chiến tranh. Tôi cầu nguyện để họ sợ sự phán xét của lương tâm, lịch sử và Chúa, để trái tim và khối óc của họ được hoán cải và luôn đặt công ích lên hàng đầu. Vào thời điểm này khi nền kinh tế đã phát triển rất nhiều, tôi muốn nhấn mạnh rằng ở một số quốc gia, các khoản đầu tư mang lại thu nhập cao nhất là các nhà máy vũ khí.
Thưa Nhà Vua, Quý Bà Quý Ông, khẩu hiệu của chuyến viếng thăm đất nước của tôi là “En route, avec Espérance”. Chữ Hy vọng được viết hoa khiến tôi nghĩ rằng hy vọng không chỉ là thứ gì đó để chúng ta mang theo trong hành lý của một chuyến đi. Ngược lại, hy vọng là một món quà từ Chúa cần được mang trong trái tim chúng ta. Vì thế tôi muốn để lại lời chúc này cho Quý vị và tất cả những người nam nữ đang sống tại Bỉ: cầu chúc Quý vị luôn cầu xin và nhận được món quà này từ Chúa Thánh Thần để cùng nhau bước đi với Niềm Hy vọng trên hành trình cuộc sống và lịch sử.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.