Kinh Truyền Tin 15/9: Chúa Giêsu là ai đối với tôi?

Trưa Chúa Nhật 15/9, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 24 thường niên.

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, sau khi hỏi các môn đệ về suy nghĩ dân chúng về Người, Người đã hỏi thẳng họ: “Nhưng các con nói Thầy là ai?” (Mc 8,29). Phêrô thay mặt cả nhóm trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (c. 30). Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu bắt đầu nói về sự đau khổ và cái chết đang chờ đợi Người, thì cũng chính Phêrô đã phản đối, và Chúa Giêsu quở trách ông một cách gay gắt: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì suy nghĩ của anh không phải của Thiên Chúa mà của loài người” (c. 33).

Nhìn vào thái độ của tông đồ Phêrô, chúng ta cũng có thể tự hỏi chính mình về việc biết Chúa Giêsu thực sự có ý nghĩa gì đối với tôi. Biết Chúa Giêsu có nghĩa là gì?

Thực ra, một mặt Phêrô trả lời một cách hoàn hảo khi nói với Chúa Giêsu rằng Người là Đấng Kitô. Tuy nhiên, đằng sau những lời đúng đắn này vẫn còn một lối suy nghĩ “theo kiểu con người”, một não trạng tưởng tượng về một Đấng Mêsia mạnh mẽ và Mêsia chiến thắng, Đấng không thể chịu đau khổ và chết. Vì vậy, những lời của Phêrô là “đúng”, nhưng cách suy nghĩ của ông vẫn không thay đổi. Ông vẫn phải thay đổi não trạng, vẫn phải hoán cải.

Đây cũng là một thông điệp quan trọng đối với chúng ta. Thật vậy, chúng ta cũng đã học được điều gì đó về Thiên Chúa, chúng ta biết giáo lý, chúng ta đọc đúng kinh và có lẽ khi được hỏi “Chúa Giêsu là ai đối với bạn?” chúng ta trả lời tốt với một số công thức chúng ta đã học trong sách giáo lý. Nhưng chúng ta có chắc chắn rằng điều này có nghĩa là chúng ta thực sự biết Chúa Giêsu không? Thực tế, để biết Chúa, chỉ biết đôi điều về Người thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải theo Người, để cho Tin Mừng của Người lay động và thay đổi chúng ta. Nghĩa là, cần có một mối tương quan với Người. Tôi có thể biết nhiều điều về Chúa Giêsu, nhưng nếu tôi không gặp Người, thì tôi không biết Chúa Giêsu là ai. Vì vậy, cần một cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời: nó thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, thay đổi những mối tương quan chúng ta có với anh chị em mình, sự sẵn sàng đón nhận và tha thứ của chúng ta, những lựa chọn về những gì chúng ta làm trong cuộc sống. Mọi sự sẽ thay đổi nếu bạn thực sự biết Chúa Giêsu! Thay đổi tất cả.

Anh chị em thân mến, nhà thần học và mục sư Tin lành Luther Bonhoeffer, nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã, đã viết như thế này: “Vấn đề không bao giờ khiến tôi hết thao thức là vấn đề biết Kitô giáo thực sự có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay hoặc ngay cả Chúa Kitô là ai” (Resistenza e Resa. Lettere e scritti dal carcere, Cinisello Balsamo 1996, 348). Thật không may, nhiều người không còn tự hỏi mình câu hỏi này nữa và vẫn “tĩnh tại”, ngủ quên, ngay cả khi ở xa Chúa. Ngược lại, điều quan trọng là tự hỏi: tôi có để cho mình bị đánh thức, tôi tự hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi và Người chiếm vị trí nào trong cuộc sống của tôi không?

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta thực sự biết về Chúa Giêsu.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

15 tháng chín 2024, 13:57

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >