Tiếp Kiến chung 23/10: Hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần bảo vệ hôn nhân và con cái của bạn
Vatican News
Đức Thánh Cha giải thích rằng trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Là bí tích của sự kết hợp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, hôn nhân Kitô giáo là sự phản ánh mối quan hệ vĩnh cửu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, một sự tự hiến cho nhau tạo nên niềm vui sâu sắc và lâu dài.
Mở đầu buổi tiếp kiến, cộng đoàn cùng nghe đoạn thư thứ nhất của Thánh Gioan (1Ga 4,7-8):
Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Lần trước chúng ta đã giải thích về điều chúng ta tuyên xưng về Chúa Thánh Thần trong kinh Tin Kính. Tuy nhiên, suy tư của Giáo hội không dừng lại ở việc tuyên xưng đức tin ngắn gọn đó. Việc tuyên xưng này vẫn được tiếp tục, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, thông qua các tác phẩm của các vị Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại. Đặc biệt, hôm nay chúng ta muốn thu thập một số giáo lý về Chúa Thánh Thần đã được phát triển theo truyền thống Công giáo Latinh, để xem giáo lý này soi sáng toàn bộ đời sống Kitô hữu và đặc biệt là bí tích hôn nhân như thế nào.
Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất
Người khởi xướng chính của học thuyết này là Thánh Augustinô, người đã phát triển giáo lý về Chúa Thánh Thần. Ngài bắt đầu từ mặc khải rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Bây giờ, tình yêu giả định phải có một người yêu thương, một người được yêu thương và chính tình yêu kết nối họ lại với nhau. Trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng yêu thương, là nguồn mạch và nguyên lý của mọi sự; Chúa Con là Đấng được yêu thương và Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất các Ngài.[1] Do đó, Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa “duy nhất”, nhưng không phải là một Thiên Chúa đơn độc; Người là sự hiệp nhất của sự hiệp thông và tình yêu. Theo ý nghĩa này, có người đã đề xuất gọi Chúa Thánh Thần, không phải là “ngôi thứ ba” số ít trong Ba Ngôi, mà đúng hơn là “ngôi thứ nhất số nhiều”. Nói cách khác, Người là Chúng Tôi, ngôi Chúng Tôi thần linh của Chúa Cha và Chúa Con, mối dây hiệp nhất giữa hai ngôi khác nhau[2], nguyên tắc của sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn thật sự là một “thân thể duy nhất” phát sinh từ nhiều người.
Vợ chồng là sự diễn tả đầu tiên và sơ đẳng nhất của mối hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi
Như tôi đã nói, hôm nay tôi muốn suy tư với anh chị em cách đặc biệt về những điều Chúa Thánh Thần nói về gia đình. Chúa Thánh Thần có thể liên quan gì đến hôn nhân? Rất nhiều, có lẽ là điều cốt yếu, và tôi cố gắng giải thích tại sao! Hôn nhân Kitô giáo là bí tích của sự tự trao tặng chính mình, của một người cho người khác, của người nam và người nữ. Đây là điều Đấng Tạo Hóa đã muốn khi “Người sáng tạo con người theo hình ảnh Người […]: Người sáng tạo họ có nam có nữ” (St 1,27). Vì thế, đôi vợ chồng con người là sự diễn tả đầu tiên và sơ đẳng nhất của sự hiệp thông tình yêu, là Ba Ngôi.
Vợ chồng nên tạo thành "chúng tôi"
Các đôi vợ chồng cũng nên tạo thành ngôi thứ nhất số nhiều, “chúng tôi”. Họ đối với nhau với tư cách là “tôi” và “bạn”, và đối với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả con cái, với tư cách là “chúng tôi”. Thật tuyệt vời biết bao khi nghe một người mẹ nói với con mình: “Cha con và mẹ…”, như Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu khi họ tìm thấy Người lúc mười hai tuổi trong đền thờ đang giảng dạy cho các kinh sư (x. Lc 2,48), và nghe người cha nói: “Mẹ con và cha”, gần như thể họ là một chủ thể duy nhất. Con cái cần biết bao sự hiệp nhất này - cha và mẹ cùng với nhau-, sự hiệp nhất của cha mẹ, và chúng đau khổ biết bao khi thiếu điều đó! Con cái đau khổ biết bao khi cha mẹ chia tay nhau.
Hôn nhân cần sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần
Tuy nhiên, để đáp ứng ơn gọi này, hôn nhân cần sự hỗ trợ của Đấng là Quà Tặng, thật sự là Đấng hiến thân trọn hảo. Nơi nào Chúa Thánh Thần ngự vào, khả năng tự hiến được tái sinh. Một số Giáo Phụ của Giáo Hội Latinh đã khẳng định rằng, là quà tặng hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con trong Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần cũng là lý do tạo nên niềm vui hiện hữu giữa các Ngài và khi nói về Ngài, họ không ngại sử dụng hình ảnh về những cử chỉ, những hình ảnh đặc trưng của đời sống hôn nhân, ví dụ như nụ hôn và vòng tay ôm[3]
Chúa Thánh Thần biến "nước của sự quen thuộc thành niềm vui mới được ở bên nhau"
Không ai nói rằng sự hiệp nhất như vậy là một mục tiêu dễ dàng, nhất là trong thế giới ngày nay; nhưng đây là chân lý như Đấng Tạo Hóa đã dự định cho mọi thụ tạo và do đó thuộc bản chất của chúng. Tất nhiên, việc xây dựng trên cát có vẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn so với trên đá; nhưng Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết kết quả là gì (xem Mt 7,24-27). Trong trường hợp này, chúng ta thậm chí không cần đến dụ ngôn, bởi vì thật không may, mọi người đều thấy hậu quả của những cuộc hôn nhân xây trên cát và những đứa con phải trả giá đắt hơn hết. Con cái đau khổ vì sự chia tay hay thiếu tình yêu giữa cha mẹ. Những gì Đức Maria nói với Chúa Giêsu tại Cana xứ Galilê phải được nhiều cặp vợ chồng lặp lại: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp tục thực hiện, trên bình diện thiêng liêng, phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong dịp đó, tức là biến nước của sự quen thuộc thành niềm vui mới được ở bên nhau. Đó không phải là một ảo tưởng đạo đức: đó là điều Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong nhiều đám cưới, khi các cặp vợ chồng đã quyết định cầu khẩn Người.
Ngón tay của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân
Do đó, sẽ không phải là điều xấu nếu, cùng với những thông tin pháp lý, tâm lý và luân lý được đưa ra, sự chuẩn bị “thiêng liêng” này được đào sâu trong quá trình chuẩn bị cho các cặp đính hôn bước vào hôn nhân; Chúa Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất. Một câu tục ngữ Ý nói như sau: “Giữa vợ và chồng, đừng nhúng ngón tay vào”. Tuy nhiên, có một “ngón tay” được đặt giữa vợ và chồng, và đó chính là “ngón tay của Thiên Chúa”: Chúa Thánh Thần! Cám ơn anh chị em!
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
[1] X. Thánh Augustino, De Trinitate, VIII,10,14)
[2] X. H. Mühlen, Một ngôi vị huyền nhiệm. Giáo hội như là mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, Città Nuova, 1968.
[3] X. Thánh Ilario di Poitiers, De Trinitate, II,1; S. Agostino, De Trinitate, VI, 10,11.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.