Kinh Truyền Tin 17/11: Điều gì qua đi và điều gì còn lại

Trưa Chúa Nhật ngày 17/11, sau khi dâng Thánh Lễ tại Đền thờ thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thức 8, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ngài đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 33 thường niên.

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Trong Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay, Chúa Giêsu mô tả một cơn hoạn nạn: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng” (Mc 13,24). Đối mặt với cơn thống khổ này, nhiều người có thể nghĩ đến ngày tận thế, nhưng Chúa nhân cơ hội này đưa ra cho chúng ta một cách giải thích khác: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đâu” (Mc 13,31).

Chúng ta dừng lại ở diễn tả này: điều gì qua đi điều gì còn lại.

Trước hết, điều gì qua đi. Trong một số trường hợp của cuộc sống, khi chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng hoặc gặp một thất bại nào đó, hoặc khi chúng ta nhìn thấy nỗi đau do chiến tranh, bạo lực, thiên tai xảy ra xung quanh, chúng ta có cảm giác rằng mọi thứ đang đi đến hồi kết, và chúng cảnh báo chúng ta rằng ngay cả những điều tốt đẹp nhất cũng sẽ qua đi. Tuy nhiên, những khủng hoảng và thất bại vẫn quan trọng, dù nó đau đớn, bởi vì chúng dạy chúng ta phải coi trọng mọi thứ, không gắn chặt trái tim mình với những thực tại của thế giới này, bởi vì chúng sẽ qua đi: chúng sẽ tàn lụi.

Đồng thời Chúa Giêsu nói với chúng ta về điều gì còn lại. Mọi sự đều qua đi, nhưng lời Người sẽ không qua đi: Lời Chúa Giêsu còn lại mãi mãi. Do đó, Người mời gọi chúng ta hãy tin vào Tin Mừng, trong đó có lời hứa về ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu, và không còn phải sống trong nỗi thống khổ của sự chết nữa. Thực ra, trong khi mọi sự trôi qua, Chúa Kitô vẫn ở lại. Trong Chúa Kitô, một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm lại được những điều và những người đã qua đi và những người đã đồng hành cùng chúng ta trong hành trình trần thế. Dưới ánh sáng của lời hứa phục sinh này, mọi thực tại đều mang một ý nghĩa mới: mọi thứ đều chết và một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết, nhưng chúng ta sẽ không mất bất cứ điều gì mà chúng ta đã xây dựng và yêu thương, bởi vì cái chết sẽ là khởi đầu của một cuộc sống mới.

Anh chị em thân mến, ngay cả trong những hoạn nạn, khủng hoảng, thất bại, Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và lịch sử mà không sợ mất đi những gì kết thúc, nhưng vui với những gì còn lại. Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta một tương lai của sự sống và niềm vui.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta gắn bó với những thứ trần thế đang qua đi, chóng vánh, hay với Lời Chúa vẫn trường tồn và dẫn đưa chúng ta về cõi trường sinh? Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này, nó sẽ giúp chúng ta.

Và chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Rất Thánh: Đức Maria, Đấng đã hoàn toàn phó thác cho Lời Chúa, để chuyển cầu cho chúng ta.

----

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc rằng, hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Người nghèo, với chủ đề là “Lời cầu nguyện của người nghèo vang lên tới Chúa” (Hc 21,5). Ngài cám ơn những sáng kiến tại các giáo phận để liên đới với những người thiệt thòi nhất. Và trong ngày này, “chúng ta cũng nhớ đến tất cả các nạn nhân trên đường: chúng ta cầu nguyện cho họ, cho gia đình của họ, và dấn thân ngăn ngừa tai hoạ này”.

Đức Thánh Cha cũng nhớ đến tất cả các ngư dân, nhân dịp Ngày Đánh cá Thế giới, được cử hành vào Thứ Năm này: Xin Đức Maria, Sao Biển, xin bảo vệ các ngư dân và gia đình của họ.

Cuối cùng ngài xin mọi người cầu nguyện cho hoà bình ở Ucraina, Palestine, Israel, Lebanon, Myanmar và Sudan. Ngài nhấn mạnh: “Chiến tranh khiến chúng ta trở nên vô nhân đạo, khiến chúng ta dung túng những tội ác không thể chấp nhận được. Các chính phủ phải lắng nghe tiếng kêu của người dân yêu cầu hòa bình.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

17 tháng mười một 2024, 14:49

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >