Tiếp kiến chung ngày 4/12/2024 - Rao giảng Tin Mừng là rao giảng về Chúa Kitô chứ không phải về chính mình

Trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 4/12/2024, Đức Thánh Cha nói rằng để có thể cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo hội, các tín hữu nhớ đến hai nguyên tắc: một là cầu nguyện và hai là chú ý không rao giảng chính mình nhưng là rao giảng về Chúa Giêsu. Nghĩa là, trước khi bắt đầu hoạt động tông đồ, chúng ta cần cầu nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta. Và sứ vụ đó phải tập trung vào Chúa Kitô, chứ không phải vào những mong muốn hay nhu cầu của chúng ta.

Vatican News 

Tiếp tục loạt bài giáo lý về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô cùng suy tư về mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và việc rao giảng Tin Mừng. Ngài nói rằng trong việc rao giảng Kitô giáo có hai yếu tố: nội dung là Tin Mừng; và kênh truyền tải là Chúa Thánh Thần. Cả hai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; nghĩa là, Lời Chúa được truyền lại bằng việc xức dầu của Chúa Thánh Thần.

Do đó, để có thể cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu nhớ đến hai nguyên tắc: một là cầu nguyện và hai là chú ý không rao giảng chính mình nhưng là rao giảng về Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là, trước khi bắt đầu hoạt động tông đồ, chúng ta cần cầu nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta. Và sứ vụ đó phải tập trung vào Chúa Kitô, chứ không phải vào những mong muốn hay nhu cầu của chúng ta.

Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, cộng đoàn cùng nghe đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô (1 Cr 2,1.4-5):

Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, [...] tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

Sau đó, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Hai yếu tố của việc rao giảng Kitô giáo: Phúc Âm và Chúa Thánh Thần

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sau khi suy tư về tác động thánh hóa và tác động qua các đặc sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta dành bài giáo lý này nói về một khía cạnh khác: hoạt động loan báo Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, nghĩa là vai trò của Người trong việc rao giảng của Giáo hội.

Thư thứ nhất của Thánh Phêrô định nghĩa các tông đồ là “những người loan báo Tin Mừng nhờ Chúa Thánh Thần” (x. 1,12). Trong cách diễn đạt này, chúng ta tìm thấy hai yếu tố cấu thành việc rao giảng của Kitô giáo: nội dung của lời rao giảng, là Tin Mừng, và phương tiện chuyển tải, là Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nói về hai điều này.

Kerygma - lời loan báo ban đầu: trung tâm của lời rao giảng

Trong Tân Ước, từ “Phúc Âm” có hai ý nghĩa chính. Từ này có thể nói đến từng sách Phúc Âm trong số bốn Phúc Âm theo quy điển: Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, và theo nghĩa này, Phúc Âm có nghĩa là tin mừng được Chúa Giêsu công bố trong cuộc đời trần thế của Người. Sau khi Chúa Phục Sinh, từ “Phúc Âm” mang ý nghĩa mới là tin mừng về Chúa Giêsu, tức là mầu nhiệm vượt qua, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đây là điều mà Thánh Tông Đồ gọi là “Phúc Âm”, khi ngài viết: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu những ai tin” (Rm 1,16).

Lời rao giảng của Chúa Giêsu và sau đó của các Tông đồ cũng chứa đựng tất cả những bổn phận luân lý phát xuất từ Phúc Âm, bắt đầu từ mười điều răn cho đến điều răn “mới” về tình yêu thương. Nhưng nếu chúng ta không muốn rơi lại vào sai lầm mà Thánh Phaolô đã lên án, đó là đặt luật lệ trên ân sủng và việc làm trên đức tin, thì cần phải luôn bắt đầu lại từ việc loan báo những gì Chúa Kitô đã làm cho chúng ta. Đó là lý do tại sao trong Tông huấn “Evangelii gaudium” (Niềm vui Tin Mừng), tôi đã nhấn mạnh rất nhiều đến điều đầu tiên trong hai điều, tức là kerygma, hay là “lời loan báo”, nền tảng của mọi áp dụng luân lý.

Thực ra, “trong việc dạy giáo lý, lời loan báo đầu tiên hay kerygma có một vai trò cơ bản, phải chiếm vị trí trung tâm của hoạt động rao giảng Tin Mừng và của mọi ý định canh tân Giáo hội. […] Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “đầu tiên”, điều này không có nghĩa là nó xuất hiện lúc ban đầu và sau đó có thể bị quên đi hoặc bị thay thế bằng những nội dung khác hay hơn. Đây là lời loan báo đầu tiên theo nghĩa chất lượng, bởi vì nó là lời loan báo chính yếu, lời loan báo mà chúng ta phải luôn nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau và chúng ta phải luôn tái công bố trong các bài giáo lý dưới hình thức này hay hình thức khác, trong mọi giai đoạn và mọi thời điểm của nó. […] Chúng ta không nên nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý phải bỏ kerygma để chọn một cách đào luyện có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và khôn ngoan hơn lời loan báo ban đầu này”, nghĩa là kerygma (số 164-165).

Rao giảng dựa vào sự xác thực của Thánh Thần

Đến đây chúng ta đã thấy nội dung của việc rao giảng của Kitô giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhớ cách thức loan báo. Phúc Âm phải được rao giảng “nhờ Chúa Thánh Thần” (1Pt 1,12). Giáo Hội phải thực hiện chính xác những gì Chúa Giêsu đã nói khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi; vì thế Người đã xức dầu cho tôi và sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Rao giảng với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần có nghĩa là truyền đạt, cùng với các ý tưởng và đạo lý, đời sống và xác tín đức tin của chúng ta. Nó có nghĩa là không dựa vào “những lời nói thuyết phục của sự khôn ngoan, nhưng vào sự biểu lộ của Thần Khí và quyền năng của Người” (1Cr 2,4), như Thánh Phaolô đã viết.

Cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần

Chúng ta có thể phản đối rằng nói thì dễ, nhưng làm sao có thể áp dụng điều này vào thực tế nếu nó không phụ thuộc vào chúng ta mà phụ thuộc vào việc Chúa Thánh Thần ngự đến? Trên thực tế, có một điều phụ thuộc vào chúng ta, hay đúng hơn là hai điều, và tôi sẽ đề cập ngắn gọn về chúng. Đầu tiên là cầu nguyện. Chúa Thánh Thần đến với những người cầu nguyện, bởi vì Cha trên trời - như đã viết – “ban Chúa Thánh Thần cho những ai cầu xin Người” (Lc 11,13), đặc biệt nếu chúng ta cầu xin Người để loan báo Tin Mừng của Con của Người! Khốn cho việc rao giảng mà không cầu nguyện! Nó sẽ trở thành điều mà Thánh Tông đồ định nghĩa là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (x. 1 Cr 13,1).

Rao giảng về Chúa Kitô chứ không rao giảng về mình

Vì vậy, điều đầu tiên phụ thuộc vào chúng ta là cầu nguyện, để Chúa Thánh Thần ngự đến. Điều thứ hai là không muốn rao giảng về chính mình, nhưng là về Chúa Giêsu (x. 2 Cr 4,5). Không cần thiết phải nói dài về điều này, bởi vì bất cứ ai tham gia vào việc truyền giáo đều biết rõ, trên thực tế, không rao giảng chính mình có nghĩa là gì. Tôi giới hạn vào một áp dụng cụ thể của yêu cầu này. Không muốn rao giảng về chính mình cũng có nghĩa là không luôn dành ưu tiên cho các sáng kiến ​​mục vụ do chúng ta khởi xướng và gắn liền với tên tuổi của mình, nhưng sẵn sàng cộng tác, nếu được yêu cầu, trong các sáng kiến ​​cộng đồng, hoặc được ủy thác cho chúng ta, bằng sự vâng phục.

Xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ, đồng hành với chúng ta và dạy Giáo hội rao giảng Phúc Âm cho những người nam nữ của thời đại này! Cảm ơn anh chị em!

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

03 tháng mười hai 2024, 17:56

Các buổi tiếp kiến chung mới nhất

Đọc tất cả >