Việc số hóa các tài liệu trong Văn khố Tòa Thánh
Hồng Thủy - Vatican
Tiến sĩ Johan Ickx hiện là giám đốc văn khố lịch sử về Quan hệ của Vatican với các quốc gia. Nhân dịp Tòa Thánh bắt đầu mở Văn khố Tòa Thánh về triều đại Đức Giáo hoàng Pio XII cho các học giả nghiên cứu, ông đã trình bày về hoạt động số hóa các tài liệu trong văn khố Vatican, các lợi ích của công việc này và một số nội dung các tài liệu được chứa trong Văn khố Tòa Thánh.
Sức thu hút của Văn khố Tòa Thánh
Theo ông Ickx, các văn khố của Tòa thánh, do đặc tính "chính trị" của nó, tiếp xúc trực tiếp với các Tòa Sứ thần, các chính phủ và các tổ chức quốc tế, với nhiều vấn đề – có thể được định nghĩa là nóng – thu hút sự quan tâm và tò mò.
Đức Giáo hoàng Pio XII (1939-1958) đã tạo ra một giai đoạn quyết định trong lịch sử thế kỷ XX, đi từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến Chiến tranh Lạnh, giai đoạn hai mươi năm cũng được đặc trưng bởi sự gia tăng các mối quan hệ và các tương quan không chỉ song phương, mà còn đa phương, với sự ra đời của các thực thể quốc tế ngày càng lớn. Các thư từ chính thức của thời kỳ chiến tranh được lưu giữ trong Văn khố lịch sử này, trong quá khứ, đã được xuất bản trong các tập các Hoạt động và Tài liệu về Chiến tranh thế giới thứ hai, đã được bốn tu sĩ dòng Tên là Graham, Schneider, Martini và Blet chuẩn bị theo ý muốn của Đức Phaolô VI.
Thách thức công nghệ
Tiến sĩ Ickx cho biết, gần mười năm trước, để chuẩn bị cho việc mở Văn khố Lịch sử của Phân bộ các quan hệ với các quốc gia về triều đại Đức Giáo hoàng Pio XII cho các học giả từ khắp nơi trên thế giới tham khảo, các vị lãnh đạo của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã quyết định bắt đầu một dự án số hóa tất cả các tài liệu liên quan đến vị giáo hoàng này. Một thách thức lớn về công nghệ đối với văn khố lịch sử khi muốn sử dụng các thiết bị phần cứng và phần mềm có khả năng hỗ trợ số lượng tài liệu đáng kể đó. Về vấn đề này, phần mềm đã được thiết kế và phát triển với các tập tin được số hóa, như một đơn vị văn khố nhỏ hơn, kết nối với một kho lưu trữ. 1.300.000 tài liệu được số hóa, sẽ được hoàn thành dần dần với hơn 700.000 tài liệu khác, tương đương với độ dài khoảng 323 mét.
Lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số để bảo vệ các tài liệu giấy
Nhận định về những lợi điểm của việc số hóa các tài liệu, tiến sĩ Ickx cho biết: Một thách thức thực sự đối với Văn khố, cả trong giai đoạn đầu, vì các phương pháp lưu trữ thông thường các tài liệu được dự định cho tham khảo đã hoàn toàn thay đổi, khi áp dụng các công nghệ tiên tiến; và cả trong toàn bộ giai đoạn chuẩn bị, đôi khi các vấn đề mới phải được giải quyết: một đàng là về việc thu nhận và bảo quản kỹ thuật số, đàng khác, là việc sử dụng thẻ ảo của các học giả. Từ quan điểm bảo tồn, phương pháp lưu trữ theo kỹ thuật số mới có một lợi thế kép: 1) bảo tồn các giấy tờ lịch sử, quý giá và độc nhất trên thế giới, khỏi sự hư hại không thể tránh khỏi và nguy cơ phân tán do tham vấn trên tài liệu giấy; 2) cho phép bảo tồn trên hai hình thức hỗ trợ nhau, trên giấy và chương trình ảo, mà vì tính chất khác nhau, chúng hỗ trợ cho nhau trong các vấn đề bảo tồn nội tại, mang lại sự đảm bảo vững chắc hơn trong thời gian lâu dài.
Dễ dàng trong việc tư vấn tài liệu
Một lợi thế lớn hơn hết là mọi học giả được nhận vào tham vấn (giới hạn ở số 20 người), thông qua một trong các trạm máy tính tại Văn khố Tòa Thánh, có thể truy cập tất cả các tài liệu có thể tham khảo: mỗi học giả được phép tham khảo vào ngày đó có thể tham khảo mọi thứ đồng thời với người khác. Điều này rõ ràng không thể được nếu tham khảo trên tài liệu giấy, là việc không cho phép nghiên một lúc các tài liệu. Thứ hai, hoạt động nghiên cứu sẽ được thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn, vì sẽ không còn phải chờ đợi hay giới hạn số lượng tài liệu yêu cầu để tham khảo, và tự do truy cập trên tất cả các nguồn văn khố ở 360 độ.
Tốc độ tìm tài liệu
Một lợi điểm khác nhờ việc số hóa các tài liệu là thông qua phần mềm tham khảo, các học giả có thể trực tiếp và tức thời yêu cầu các bản sao văn kiện. Theo cùng thể thức đó, tài liệu ấy cũng được bảo trì, tránh những thiệt hại cho việc bảo trì, do việc chụp hình văn bản ấy gây ra, nếu sao chụp theo phương pháp cổ điển là photocopy.
Công việc số hóa tài liệu và kiểm kê các tập tin cũng như đơn vị văn khố nhỏ hơn cần một nỗ lực lớn, cả về số lượng lớn tài liệu cần chuẩn bị và cả vì tác động của phương pháp lưu trữ mới, chưa từng được sử dụng trước đây, đối với nhân viên có trách nhiệm. Phòng đọc mới Pio XII trong tháp Borgia đã được trang bị các máy tính đặc biệt để tham khảo. Việc giới hạn 20 người tham khảo trong một lần, ban đầu có thể là một trở ngại cho cộng đồng khoa học, nhưng điều này sẽ phần nào được bù đắp bởi thời gian tham vấn nhanh hơn.
Loạt văn khố về "người Do Thái"
Ông Ickx nói đến một số nội dung đặc biệt trong Văn khố Tòa Thánh. Ngoài các hoạt động đặc biệt của Tòa Thánh trong chiến tranh thế giới và thời kỳ chiến tranh lạnh, còn có các tài liệu liên quan đến quan hệ ngoại giao, các thỏa thuận, hiệp ước, phê chuẩn, công tác nhân đạo và hỗ trợ, báo cáo định kỳ về các tình huống chính trị-tôn giáo, vấn đề giáo dục, vấn đề liên quan đến Quốc gia thành Vatican, hoạt động ngoại giao của các cộng tác viên thân thiết của Đức Pio XII…
Trong số các loạt văn khố truyền thống, với tên các quốc gia mà các tài liệu chứa trong đó đề cập đến, một chi tiết rất đáng ngạc nhiên nổi bật: loạt lưu trữ về "người Do Thái", với 170 tập tài liệu có chứa lịch sử của khoảng 4000 tên. Trong số này có phần lớn các yêu cầu giúp đỡ từ những người Công giáo gốc Do Thái, nhưng cũng không thiếu những tên Do Thái. Đôi khi có những nhân vật không ngờ đến, như nhà nghiên cứu nhân văn trẻ Paul Oskar Kristeller, người nổi tiếng thế giới về nghiên cứu nhân văn, đã cầu cứu Tòa thánh. Và cả Tullio Liebman, được coi là người sáng lập "Trường học thánh Phaolô" và là giáo sư nổi tiếng thế giới tại Đại học Pavia, Torino và Milan, cũng được giúp đỡ và tìm thấy lối thoát đến Nam Mỹ, nhờ vào sự dấn thân của các cộng tác viên thân thiết của Đức Pio XII.
Sẽ cần thời gian để tái cấu trúc bầu khí và môi trường nơi những hoạt động này diễn ra. Nhưng ít nhất các học giả sẽ có thể mở các sê-ri khác, chẳng hạn như sê-ri về quốc gia Ý 1352b, nơi họ sẽ tìm thấy tập tin "Những lời buộc tội chống lại Đức ông Ottaviani vì đã đưa các giấy tờ tùy thân giả cho người Do Thái và đã đón nhận họ vào các cơ sở của Tòa Thánh ở bên ngoài thành Vatican".
Sự căm thù của Đức Quốc xã đối với Giáo hội và Đức Giáo hoàng
Ngoài sê-ri tài liệu rất đặc biệt này, hầu hết tất cả các sê-ri có tên các quốc gia đều chứa các tài liệu khác, gồm yêu cầu của những người bị bách hại xin giấy tờ tùy thân cần thiết, các trợ giúp thiết thực để có thể thoát khỏi tiến trình có hệ thống của nọc độc phân biệt chủng tộc. Các tài liệu sẽ nêu rõ có bao nhiêu và những nỗ lực nào đã được thực hiện để cố gắng đáp lại lời khẩn cầu cứu rỗi những người bị bắt bớ và khốn khổ gặp nguy hiểm đến tính mạng, cũng như cho thấy sự căm thù của chủ nghĩa phát xít đối với Giáo hội Công giáo và chính Đức Giáo hoàng. Đồng thời, nó cũng cho thấy rõ sự phản đối và đối nghịch của nhiều quốc gia trong việc mở biên giới cho rất nhiều người khốn khổ.
Vai trò của các nữ tu trong việc ghi chép
Giám đốc Văn khố lịch sử của Phân bộ ngoại giáo Tòa Thánh nhắc đến công việc của các nữ tu. Trong số các di sản lưu trữ phong phú của Phân bộ về quan hệ với các quốc gia (ASRS), có các tập tài liệu rất đặc biệt của SARE, dịch vụ nghe đài nước ngoài: từ năm 1943 đến 1954, một nhóm các nữ tu đã nghe và viết lại các chương trình của các đài phát thanh chính, cung cấp cho ban lãnh đạo của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh những tin tức mới trên quy mô toàn cầu. Đây là những đài phát thanh khác nhau ở các quốc gia khác nhau trên các châu lục khác nhau. Nhóm nữ tu này làm việc trong Dinh Tông tòa. Kết quả công việc của họ là những tập thông tin đầy đủ vào phút cuối. Tiếp đến, trong số nhiều tài liệu, chắc chắn là có những bất ngờ nhỏ. Ai có thể nghĩ rằng đại úy người Anh Evelyn Waugh, không chỉ là một người đưa thư mà còn là một nguồn khuyến nghị cho Tòa Thánh về tình hình của Giáo hội Công giáo ở Nam Tư trong thời kỳ hậu chiến?
Công việc của các học giả
Ông Ickx kết luận như sau: Với hơn một triệu tài liệu đã được số hóa, việc mở cho tham khảo về triệu đại của Đức Giáo hoàng Pio XII chắc chắn sẽ cung cấp những thông tin quan trọng đặc biệt, nhờ số lượng và chất lượng, cho thế giới nghiên cứu khoa học lịch sử, về các tin tức chưa được công bố cũng như xác nhận về những gì đã được suy luận từ các nguồn khác. Tại thời điểm này, điều còn lại là nhường lời cho các học giả về các ngành học đa dạng nhất để họ sẽ đưa ra ánh sáng tất cả những gì có thể chiếu sáng chúng ta về giai đoạn phức tạp này của lịch sử gần đây của chúng ta, với hy vọng rằng nó sẽ mang lại những chủ đề liên quan đến Chiến tranh thế giới thứ hai, và không chỉ có thế, nó có thể góp phần duy trì trong các thế hệ mới ký ức lịch sử về hành động của Đức Pio XII, bắt nguồn từ một đức tin đích thực vào Chúa Kitô, để bảo vệ nhân loại và nền văn minh.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.