Đức cha. Juan Ignacio Arrieta, Tổng Thư ký của Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản Luật Đức cha. Juan Ignacio Arrieta, Tổng Thư ký của Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản Luật  

Tiến trình sửa đổi Quyển VI của Bộ Giáo luật

Trong cuộc họp báo giới thiệu việc sửa đổi Quyển VI của Bộ Giáo luật vào sáng ngày1/6/2021 , Đức cha Juan Ignacio Arrieta, Tổng Thư ký của Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản Luật đã trình bày về tiến trình sửa đổi.

Hồng Thủy - Vatican News

Lý do của việc sửa đổi

Theo Đức cha Arrietq, trong những năm ngay sau khi Bộ Giáo luật năm 1983 được ban hành, người ta thấy rằng vấn đề hình luật trong Quyển VI đã không đáp ứng được những mong đợi mà nó nêu lên. Các văn bản mới thường không xác định hình phạt, chính vì người ta tin rằng các cá nhân Giám mục và các Bề trên, những người chịu trách nhiệm áp dụng hình phạt, sẽ quyết định tốt hơn khi nào và cách thức trừng phạt một cách thích đáng nhất.

Kinh nghiệm của vài năm sau đó cho thấy những khó khăn của các Đấng Bản quyền trong việc áp dụng hình luật và cũng có sự chênh lệch về đánh giá, phản ứng thiếu đồng nhất vì mọi người đều đánh giá cách không đều. Hơn nữa, điều này cũng làm tăng thêm khó khăn cụ thể của nhiều người trong việc kết hợp các đòi hỏi của bác ái với những yêu cầu của công bằng.

Trong hoàn cảnh này, Tòa Thánh nhận thấy cần phải bổ sung cho những thiếu sót của hệ thống hình luật một hướng dẫn trong các trường hợp nghiêm trọng nhất. Việc này đã được dự kiến từ năm 1988, nhưng chỉ bắt đầu từ năm 2001.

Bối cảnh chung này đã khiến Đức Biển Đức XVI, người đã lãnh đạo Bộ Giáo lý Đức tin trong thời gian dài và có kinh nghiệm cụ thể về các giới hạn của hình luật , đã giao nhiệm vụ chính thức cho Hội đồng Giáo hoàng về các Văn bản Luật để bắt đầu việc sửa đổi Quyển VI của Bộ Giáo luật. Đó là vào tháng 9/2009. Một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia giáo luật về hình luật  ngay lập tức được thành lập, bắt đầu các cuộc họp làm việc sau đó trong 12 năm.

Tiến trình sửa đổi

Đức cha Arrieta cho biết: Công việc sửa đổi Quyển VI được thực hiện cách tập thể và với sự cộng tác rất rộng rãi và liên tục trao đổi các đề xuất và nhận xét, với sự tham gia của rất nhiều người trên khắp thế giới. Công việc của nhóm nghiên cứu có mặt ở Roma luôn được chia sẻ với một nhóm đông hơn các nhà giáo luật. Sau khi đạt được Đề án đầu tiên, vào mùa hè năm 2011, nó đã được gửi đến tất cả các Hội đồng Giám mục, các Bộ của Giáo triều Rôma, các Bề trên Thượng cấp của các dòng tu, các Phân khoa Giáo luật, tất cả các Cố vấn và rất nhiều nhà giáo luật khác. Từ cuộc tham vấn, hơn 150 tập ý kiến đã được đưa ra. Sau khi được hệ thống hóa, tài liệu này đã được sử dụng cho các công việc tiếp theo của nhóm, cho đến giữa năm 2016, để đưa ra một đề án sửa đổi mới.

Sau đó là thời gian suy tư để đánh giá xem liệu có phù hợp để đưa vào bản văn những thay đổi triệt để hơn nữa không. Sau các nghiên cứu mới, ý kiến ​​cho rằng hiện tại không thể thực hiện các thay đổi thêm. Các cuộc tham vấn khác với các Ban và các cố vấn đã dẫn đến việc hoàn thiện văn bản đã được Hội đồng Giáo hoàng thông qua vào ngày 20/1/2020. Văn bản này, với một số điều chỉnh thêm, chủ yếu là về các vấn đề kinh tế, đã được Hội đồng Giáo hoàng ấn định và trình lên Đức Thánh Cha. Ngài đã ký Tông vào Lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, thiết lập việc ban hành Tông hiến.

3 điểm chính yếu của bản văn mới

Đức cha trình bày về ba điểm mới chính yếu của văn bản mới Trước hết, văn bản hiện nay đã xác định đầy đủ các luật hình sự chưa có trước đây, để đưa ra chỉ dẫn chính xác và an toàn cho những người phải áp dụng chúng. Để đảm bảo rằng luật hình sự cũng được sử dụng thống nhất trong toàn Giáo hội. Hơn nữa, các hành vi phạm tội hiện nay được quy định rõ hơn, phân biệt các tội danh mà trước đây thường được nhóm lại với nhau; các biện pháp xử phạt hiện đã được liệt kê đầy đủ trong khoản 1336;

Điểm mới thứ hai là đối với cộng đoàn: điều chúng ta thấy là luật hình sự cũng quan trọng đối với việc bảo tồn cộng đoàn tín hữu, khắc phục tai tiếng đã gây ra và do đó cũng sửa chữa những thiệt hại. Cụ thể, các văn bản mới kêu gọi việc áp đặt luật hình sự (GL khoản 1319 § 2), hoặc bắt đầu thủ tục xử phạt (GL khoản 1341) với điều kiện là cơ quan có thẩm quyền thận trọng cho là cần thiết hoặc nếu họ đã xác định chắc chắn rằng bằng những cách khác thì không thể có đủ khả năng tái lập công lý, sửa đổi người vi phạm và sửa chữa vụ bê bối (GL khoản 1341). Đây là một yêu cầu của caritas pastoralis - bác ái mục vụ, điều tiếp đó được phản ánh trong các yếu tố mới khác nhau của hệ thống hình sự và đặc biệt, trong nhu cầu đền bù vụ bê bối và thiệt hại đã gây ra, để tha thứ một hình phạt hoặc hoãn việc áp dụng.

Khía cạnh thứ ba của văn bản mới là cung cấp cho cấp thẩm quyền những công cụ để họ có thể kịp thời ngăn chặn tội ác, thay đổi cách hành xử và để tránh được những thiệt hại mà Đức Giáo Hoàng đã đề cập trong Tông Hiến.

Những biện pháp giúp ngăn chặn tội phạm

Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật cũng nói đến một công cụ khác giúp cho Đấng Bản quyền trong việc ngăn chặn tội phạm, đó là các biện pháp xử lý tội phạm hiện đã được xác định trong Quyển VI: khuyến cáo, khiển trách, ngăn chặn và giám sát tội phạm. Đây không phải là những biện pháp trừng phạt hình sự nghiêm khắc, và có thể được sử dụng ngay cả khi không có tiến  trình sơ bộ, nhưng luôn tuân thủ các yêu cầu về các thủ tục hành chính.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

01 tháng sáu 2021, 14:25