ĐHY Parolin: Kitô giáo có nguy cơ bị khai thác vì mục đích chính trị
Ngọc Yến - Vatican News
Ngày 22/9, theo chương trình, là ngày Đảng Nhân nhân châu Âu (EPP) dành riêng để lắng nghe Giáo hội. Vì vậy, tại buổi họp, ngoài Đức Hồng y Parolin còn có sự hiện diện của Đức Hồng y Jean Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (Comece), và Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.
Đức Hồng y Parolin nói với các nhà báo: “Vì là ngày dành riêng để lắng nghe Giáo hội, cho nên những người đại diện Tòa Thánh và Giáo hội châu Âu có mặt tại đây được đặt trong viễn cảnh này: thực tế là các thành viên của Đảng Nhân nhân châu Âu muốn nghe những gì Giáo hội đề xuất và những gì Giáo hội yêu cầu từ Đảng này. Tôi tin rằng, mặc dù không đồng nhất với Kitô giáo nói chung, nhưng Đảng Nhân nhân châu Âu đặc biệt chú ý đến Kitô giáo. Trong cuộc gặp gỡ có nhiều người đề cập rõ ràng đến các nguyên tắc Kitô giáo”.
Về một số thành viên của Đảng không đồng ý với các nguyên tắc Kitô giáo, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải đưa ra một lựa chọn toàn cầu. Trong Kitô giáo, không phải chọn điều ưu thích hoặc thuận tiện hơn, nhưng phải chấp nhận tất cả. Vì vậy, liên quan đến vấn đề bảo vệ sự sống, đây là một phần của Kitô giáo, chúng tôi bảo vệ tất cả giai đoạn của sự sống, từ khi bắt đầu thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Nhưng yêu thương người lân cận cũng là một phần của điều này, được thể hiện trong sự chú ý đến hiện tượng di cư, theo bốn động từ mà Đức Thánh Cha luôn chỉ ra: chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Ở mức độ nguyên tắc, đối với tôi, điều rất rõ ràng, Kitô giáo là tất cả điều này. Kitô giáo không phải như việc một người đi siêu thị lựa chọn món này, rồi loại món khác... Nếu như thế luôn có nguy cơ lợi dụng hoặc thao túng Kitô giáo, cũng như các tôn giáo khác, vì mục đích chính trị”.
Liên quan đến các vấn đề quốc tế hiện nay, Quốc vụ khanh Tòa Thánh bày tỏ lo ngại về những diễn biến có thể xảy ra sau Hiệp ước Aukus. Hiệp ước là một liên minh về mối quan hệ công nghệ và quân sự chặt chẽ giữa Anh-Úc-Mỹ và kế hoạch phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân Úc. Đức Hồng y khẳng định: “Tòa Thánh phản đối việc tái vũ trang, tất cả những nỗ lực đã và đang được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ vũ khí hạt nhân, bởi vì chúng không phải là cách để duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, nhưng chúng còn tạo ra nhiều nguy hiểm cho hòa bình và xung đột. Trong tầm nhìn này, chúng ta không thể không lo lắng”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.