Dư âm chuyến Tông Du thứ 34 của ĐTC Phanxicô
Giuse Trần Đức Anh O.P
Sức khỏe tốt của Đức Thánh Cha
Điểm tích cực đầu tiên là sức khỏe của Đức Thánh Cha. Khi chương trình chuyến viếng thăm của ngài được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố, nhiều báo chí đã ngạc nhiên vì chương trình khá dầy đặc, đối với một người đã chịu cuộc giải phẫu quan trọng ngày 4/7/2021, với 33 centimet ruột già bị cắt bỏ. Đặc biệt là ngày đầu tiên, Chúa nhật 12/9/2021, ngài bắt đầu lúc 5 giờ 20 phút sáng từ Vatican, rồi dừng lại tại Budapest, thủ đô Hungary, 7 tiếng đồng hồ, với 3 cuộc gặp gỡ và Thánh lễ. Sau đó ngài sang thủ đô Bratislava của Slovakia và hoạt động thêm 7 giờ nữa, cho đến 19 giờ chiều, với 3 cuộc gặp gỡ nữa. Thế mà trong 4 ngày viếng thăm, Đức Thánh Cha vẫn tỏ ra khỏe mạnh, tươi cười, tỉnh táo và chú ý trong các sinh hoạt. Ngài đã trải qua tốt đẹp cuộc trắc nghiệm về sức khỏe hậu giải phẫu.
Dự án tông du
Từ những sự kiện đó, báo chí an tâm nói đến các cuộc tông du tới đây của Đức Thánh Cha tại nước ngoài, tuy chưa có thông cáo chính thức của Phòng báo chí Tòa Thánh nhưng đã được dư luận bàn tán. Đầu tháng 11 tới đây, có thể Đức Thánh Cha sẽ đến thành phố Glasgow của Scotland trong vòng vài tiếng đồng hồ để tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh của Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu, gọi tắt là COP26.
Sau đó, khoảng cuối tháng 11, có thể ngài sẽ viếng thăm 3 nước Hy Lạp, đảo Cipro và Malta.
Lý do chỉ dừng lại 7 tiếng tại Hungary
Trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đã có nhiều bàn tán và phỏng đoán của một số ký giả cho rằng sở dĩ ngài chỉ dừng lại 7 tiếng đồng hồ tại Hungary trong khi lại dành hơn 3 ngày để viếng thăm nước Slovakia láng giềng, chính là vì ngài không muốn gặp, hoặc tẩy chay thủ tướng Viktor Orbán của Hungary. Ông nổi tiếng không đón nhận người di dân, và ông chống những người đồng tính luyến ái trái với lập trường cởi mở của Đức Thánh Cha. Thủ tướng Orbán bị Liên hiệp Âu Châu mạnh mẽ phê bình và đe dọa trừng phạt, cúp tài trợ dành cho sự phục hồi sau đại dịch. Cho đến trưa ngày 15/9/2021, không có giải thích chính thức nào từ phía Tòa Thánh về sự chênh lệch trong chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hungary và Slovakia.
Chính Đức Thánh Cha giải đáp
Thắc mắc này đã được chính Đức Thánh Cha giải đáp. Trong cuộc họp báo trên chuyến bay dài gần 1 giờ 45 phút, từ Slovakia về Roma, ngài đặc biệt cải chính giải thích không đúng về chủ đích cuộc viếng thăm của ngài tại Budapest và trả lời câu hỏi của 1 ký giả nước này:
“Có người nghĩ sai về mục đích cuộc viếng thăm của tôi tại Hungary. Cuộc viếng thăm này đã được hoạch định như vậy, như tôi đã hứa với tổng thống của bạn là sẽ gặp lại năm tới, hoặc năm nào đó tôi có thể tới. Có bao nhiêu giá trị của người Hungary, nhưng tôi đặc biệt có ấn tượng về cảm thức đại kết với một chiều kích sâu xa...”.
Và Đức Thánh Cha tiết lộ trong cuộc gặp gỡ dài 40 phút tại Phủ Tổng Thống Hungary có tổng thống, thủ tướng và cả phó thủ tướng. Tổng thống nói trước tiên về vấn đề bảo vệ môi trường và thật đáng ca ngợi người Hungary với ý thức cao độ vệ môi sinh: tổng thống đã giải thích về cách thanh tẩy các sông ngòi, điều mà tôi không biết. Tôi cũng hỏi xem tuổi trung bình của dân Hungary, vì tôi quan tâm đến mùa đông dân số. Tại nước Ý, tuổi trung bình là 47 tuổi, tại Tây Ban nha tôi nghĩ là còn tệ hơn, bao nhiêu làng mạc trống rỗng với bao nhiêu người già. Làm sao giải quyết? Tổng thống Hungary đã giải thích với tôi về việc giúp đỡ các đôi vợ chồng trẻ có con cái, thật là hay vì luật này cũng khá giống luật bên Pháp nhưng phát triển hơn. Về điểm này thủ tướng và phó thủ tướng cũng giải thích thêm. Đức Thánh Cha cho biết trong cuộc hội kiến đó không hề đề cập đến đến vấn đề di dân. Tổng thống chủ động và thủ tướng và phó thủ tướng chỉ nói thêm vào”.
Đông đảo tín hữu tại Slovakia tham dự
Trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Slovakia, dưới sức ép của nhà chức trách y tế, các Giám Mục nước này đã ra qui luật, theo đó chỉ những ai có chứng nhận đã chích ngừa trọn vẹn chống Covid-19 và phải đăng ký riêng rẽ thì mới được tham dự các cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha hoặc tham dự các buổi lễ do ngài cử hành.
Tính đến ngày 25/8/2021, tức là hơn 2 tuần trước khi Đức Thánh Cha tới Slovakia, cả nước chỉ có 33 ngàn người đăng ký để gặp gỡ và tham dự các buổi lễ của Đức Thánh Cha. Vì thế, các Giám Mục Slovakia đã phải công bố thư mục vụ thứ hai mời gọi các tín hữu tích cực tham gia, và sau đó các vị bãi bỏ điều kiện phải chích ngừa trọn vẹn chống Covid-19 thì mới được gặp gỡ và dự lễ với Đức Thánh Cha. Và thực tế, số người tham dự các sinh hoạt với Đức Thánh Cha đông đảo: từ cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ và giáo lý viên vào chiều ngày đầu tiên 12/9, cho đến thánh lễ theo nghi lễ Đông phương tại thành Kosice với hơn 40 ngàn người, rồi cuộc gặp gỡ hơn 20 ngàn người trẻ tại sận vận động thành phố này. Sau đó là 70 ngàn người dự lễ tại Đền thánh Đức Mẹ Sastin sáng ngày 15/9.
Ảnh hưởng tích cực của chuyến viếng thăm
Những sinh hoạt đông đảo với bầu khí hân hoan và sốt sắng đó đã khiến Đức Jozef Halko, Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận thủ đô Bratislava, nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô nơi dân Slovakia thật là hiệu năng, thức tỉnh tiềm năng của Giáo Hội địa phương. Đức Cha Halko nói với đài Vatican:
“Đức Thánh Cha, qua sự chọn lựa những nơi viếng thăm và qua những cử chỉ và lời nói, ngài thực sự bắc những nhịp cầu. Ngài làm như vậy với các tầng lớp xã hội trong dân chúng Slovakia, gặp gỡ người Do thái, những người du mục Rom.”
Đức Cha cũng nói: “Tôi nghĩ những người trẻ nhận thức cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha rất sâu. Tại Slovakia, có một tiềm năng lớn nơi giới trẻ. Họ tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, con đường cần theo. Nhiều người đã không có những kinh nghiệm tích cực với gia đình họ, và họ tìm những điểm tựa mà Giáo Hội cống hiến”.
Họp báo: vấn đề phá thai và rước lễ
Trở lại cuộc họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay, một hoạt động cũng đã thu hút sự ý chí rất nhiều của dư luận, đặc biệt tại Mỹ trong thời gian gần đây, cộng thêm vấn đề có nên cho những chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai rước lễ hay không. Đức Thánh Cha tái lên án phá thai là giết người: về phương diện khoa học, bào thai đến tháng thứ 3 đã có đầy đủ các cơ phận… Một vị quốc trưởng đã nói với ngài rằng sự suy giảm dân số bắt đầu với luật cho phá thai, sự suy giảm mạnh đến độ có 6 triệu vụ phá thai làm cho số sinh trong xã hội ấy suy giảm mạnh.
Tuy nhiên, về vấn đề cấm các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai rước lễ hay không, Đức Thánh Cha không trả lời thẳng nhưng nói: “Tôi không bao giờ từ khước Thánh Thể cho một ai, tôi không biết có ai đến rước lễ ở trong những hoàn cảnh ấy hay không! Hồi còn làm Linh mục tôi vẫn có lập trường đó. Không bao giờ tôi được biết người đến trước mặt mình là người như bạn đã mô tả. Có một lần duy nhất xảy ra điều này: tôi đến làm lễ tại một nhà dưỡng lão, Khi ở trong phòng khách tôi hỏi xem ai muốn rước lễ, tất cả các bà già ấy đều giơ tay. Một bà cụ già đã rước lễ và nói: “Cám ơn cha tôi là người Do thái”. Tôi đáp: “Vị mà tôi cho bà rước cũng là người Do thái!... Rước lễ không phải là một phần thưởng cho những người trọn lành”.
Văn sĩ Do thái Edith Bruck cám ơn Đức Thánh Cha
Trong cuộc họp báo, ký giả của đài truyền hình Sky 24 của Ý đã trao cho Đức Thánh Cha lá thư của nữ văn sĩ Do thái gốc Hungary, bà Edith Bruck, người sống sót từ trại tập trung của Đức quốc xã, cám ơn Đức Thánh Cha vì đã viếng thăm người Do thái tại Hungary và Slovakia.
Bà Edith Bruck năm nay 90 tuổi đã được Đức Thánh Cha đích thân đến thăm tại tư gia ở Roma ngày 20/2 năm nay. Bà đã xuất bản nhiều tác phẩm, đặc biệt là một hồi ký về thời kỳ bà bị giam trong tại tập trung. Trong những năm gần đây, bà Bruck tiếp tục nói về cuộc diệt chủng Do thái tại các trường và đại học.
Trong thư gửi Đức Thánh Cha, bà viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất quí mến, tôi đã lắng nghe những lời quan trọng của ngài, những lời không thể để cho ai dửng dưng tại những nơi mà sự ác đã trổi vượt”.
Bà cho biết những người bạn Hungary của bà đã nói với bà rằng Đức Giáo Hoàng đã để lại dấu vết tình thương trong 7 giờ viếng thăm tại Budapest, thủ đô Hungary. Và bà viết: “Xin Thiên Chúa đồng hành với ngài trong mỗi bước đường ngài thực hiện cho hòa bình, sự sống chung và mở rộng những tâm hồn và lương tâm chưa được trong sạch. Tôi hy vọng tiếng nói và sự nồng nhiệt của ngài đi tới, đánh động và thức tỉnh sự thiện nơi mỗi người. Đôi khi cả trong những tối tăm nhất, ánh sáng cũng chiếu vào. Tôi biết điều đó và vì thế tôi hy vọng”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.