ĐTC tại Hội nghị Quốc tế về Buôn người năm 2019 ĐTC tại Hội nghị Quốc tế về Buôn người năm 2019 

Công Giáo chống nạn buôn người

Từ hơn 8 năm nay, ĐTC Phanxicô đã nhiều lần tố giác và lên án tệ nạn buôn người mà ngài gọi là “một tội ác chống lại nhân loại” và đồng thời ngài cổ võ những sáng kiến chống lại tai ương này của xã hội, phòng ngừa, trợ giúp, chữa trị và giúp các nạn nhân tái hội nhập vào xã hội.

G. Trần Đức Anh O.P

Nhóm Santa Marta

Lần mới nhất ĐTC lên tiếng về vấn đề này là buổi tiếp kiến sáng ngày 19/5 vừa qua tại Vatican dành cho “Nhóm Santa Marta”. Đây là một liên minh các chuyên gia chống nạn buôn người và nạn nô lệ, được thành lập năm 2014 trong cuộc họp tại Nhà Trọ thánh Marta, ở nội thành Vatican, nơi ĐTC cư ngụ. Họ gồm các vị hữu trách ngành cảnh sát và an ninh, quan chức chính quyền, các giám mục và nữ tu, các luật gia và các ngành khác. Vị phối hợp là ĐHY Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster, Chủ tịch HĐGM Anh Quốc, và ông Bernard Hogan-Howe, chỉ huy trưởng cảnh sát London. Mục đích của nhóm là liên kết các tầng lớp đạo đời, để phát triển một chiến lược chống lại nạn buôn người, cũng như bảo đảm sự săn sóc, phục hồi cho các nạn nhân. ĐHY Nichols gọi nhóm này là một tác nhân “xúc tác” để đẩy mạnh việc bài trừ nạn buôn người.

Trong buổi tiếp kiến nhóm Santa Marta, ĐTC nhiệt liệt cám ơn mọi người vì “dấn thân phòng ngừa và chiến đấu chống nạn buôn người và những hình thức nô lệ tân thời, tìm cách loại bỏ những hành vi tội phạm chà đạp phẩm giá và các quyền con người, để lại những hậu quả lâu dài trên mỗi nạn nhân và trên xã hội nói chung”.

Nạn buôn người

Nạn buôn người là một trong những hình thức nô lệ trầm trọng nhất của thế kỷ 21 và liên hệ đến toàn thế giới.

Theo phúc trình do Liên Hiệp Quốc công bố hồi đầu năm ngoái về nạn buôn người thì trong năm 2018 trên thế giới có khoảng 50 ngàn vụ buôn người được chính thức ghi nhận. Tuy nhiên, con số đích thực cao hơn nhiêu, nhất là hiện tượng các trẻ em ngày càng trở thành nạn nhân của hiện tượng này.

Đối với những kẻ buôn người và khai thác bóc lột, việc buôn người là một trong những hoạt động bất hợp pháp mang lại nhiều lợi nhuận, với khoảng 32 tỷ đôla Mỹ mỗi năm, đứng thứ 3 sau nạn buôn ma túy và vũ khí, theo những con số vài năm trước đây.

Dấn thân của Giáo Hội Công Giáo

Từ nhiều năm nay, Giáo Hội Công Giáo, nhất là qua các dòng tu, đặc biệt là các dòng nữ, đã dấn thân nhiều trong các hoạt động chống buôn người để biến thành nô lệ, bị khai thác tình dục hoặc bị cưỡng bách lao động”. Nỗ lực dấn thân này càng được đẩy mạnh, trước tình trạng dư luận tại nhiều nơi trên thế giới chưa ý thức tệ nạn này, và các giới chức hữu trách chưa dấn thân thực sự để bài trừ những hình thức mới của nạn nô lệ ngày nay, một tệ nạn gắn liền với nạn buôn người. ĐTC Phanxicô nhận xét rằng: “Tuy cộng đồng quốc tế đã chấp nhận nhiều hiệp định để chấm dứt nạn nô lệ dưới mọi hình thức và đề ra nhiều chiến lược để bài trừ hiện tượng này, nhưng ngày nay vẫn còn hàng triệu người - trẻ em, người lớn nam nữ ở mọi lứa tuổi - bị tước đoạt mất tự do và bị bó buộc phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ.” (Sứ điệp Hòa Bình Thế giới 1-1-2015).

Những thúc đẩy của ĐTC Phanxicô

Các hoạt động của nhiều tín hữu Công Giáo trong lãnh vực này được đẩy mạnh từ khi ĐTC Phanxicô được bầu làm chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ tháng 3 năm 2013 và chính ngài cũng khích lệ sáng kiến ấn định và cử hành ngày Thế giới chống nạn buôn người.

- Ngay từ cuộc gặp gỡ sáng 10/4/2014 với 120 tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 2 về nạn buôn người tiến hành tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học ở nội thành Vatican trong hai ngày 9 và 10/4 năm đó, ĐTC nói: “Nạn buôn người là một vết thương trong thân thể nhân loại ngày nay, một vết thương trong thân mình của Chúa Kitô. Đó là một tội ác chống lại nhân loại. Sự kiện chúng ta họp nhau ở đây để liên kết những nỗ lực của chúng ta, có nghĩa là chúng ta muốn các chiến lược và thẩm quyền được tháp tùng và củng bố bằng sự cảm thông từ bi theo tinh thần Tin Mừng, và bằng sự gần gũi với những người nam nữ nạn nhân của tệ nạn này”.

- Trong số các sáng kiến được ĐTC khích lệ và ủng hộ, cũng có một tuyên ngôn chung ngài ký với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác ngày 2/12/2014, bày tỏ quyết tâm cộng tác loại bỏ vĩnh viễn hình thức nô lệ mới trước năm 2020. Cùng ký vào tuyên ngôn còn có Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo Justin Welby, các vị lãnh đạo Chính Thống, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia. Sáng kiến lịch sử này do tổ chức gọi là “Global Freedom Network” (Mạng lưới tự do toàn cầu) đề xướng. Tổ chức này nhắm loại trừ nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới trên thế giới ngày nay.

Lên tiếng trong buổi ký kết tuyên ngôn chung, ĐTC khẳng định rằng: “Được niềm tin tín ngưỡng soi sáng, chúng ta họp nhau nơi đây do một sáng kiến lịch sử và để thực hiện một hành động cụ thể: tuyên bố chúng ta sẽ cộng tác với nhau để loại trừ tai ương kinh khủng là sự nô lệ tân thời dưới tất cả mọi hình thức của nó...

“Vì thế chúng ta tuyên bố nhân danh tất cả và từng người rằng nạn nô lệ tân thời, trong tương quan với nạn buôn người, cưỡng bách lao động, mại dâm và buôn bán cơ phận, là tội ác xúc phạm đến nhân loại. Các nạn nhân thuộc mọi giai tầng, nhưng nhất là những người nghèo khổ và dễ tổn thương nhất trong các anh chị em của chúng ta. Nhân danh họ, chúng ta kêu gọi các cộng đoàn của chúng ta hãy hành động, để hoàn toàn loại bỏ mọi sự tước đoạt tự do của cá nhân với mục đích bóc lột con người và thương mại; nhân danh họ chúng ta đưa ra tuyên ngôn này.”

- Trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới 1/1/2015 với chủ đề “Không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh em”, trong đó, sau khi phân tích các nguyên nhân gây ra nạn buôn người, ĐTC cổ võ sự dấn thân chung của mọi thành phần trong xã hội, để “đánh bại nạn nô lệ”. Ngài viết:

“Thường thường, khi quan sát hiện tượng buôn người, buôn bán bất hợp pháp những người di dân và những khuôn mặt được biết đến hoặc không được biết đến của nạn nô lệ, người ta có cảm tưởng nó xảy ra trong sự dửng dưng của nhiều người.

“Đáng tiếc là điều ấy phần lớn là đúng sự thực, và tôi muốn nhắc đến công việc âm thầm rất to lớn của nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ, từ nhiều năm nay đang hoạt động để giúp đỡ các nạn nhân. Các hội dòng ấy hoạt động trong những bối cảnh khó khăn, nhiều khi đầy bạo lực, và tìm cách phá vỡ những xiềng xích vô hình nối chặt các nạn nhân với những kẻ buôn người và khai thác bóc lột người; những dây xiềng có những mắt xích do những cơ cấu tâm lý tinh tế dệt thành, khiến cho các nạn nhân tùy thuộc những kẻ canh giữ họ, qua sự tống tiền và đe dọa bản thân họ và thân nhân, và cả qua những biện pháp vật chất như tịch thu giấy tờ căn cước và đánh đập. Hoạt động của các dòng tu được tiến hành qua 3 công tác: cứu giúp các nạn nhân, phục hồi họ về mặt tâm lý và huấn luyên và tái hội nhập họ vào xã hội nơi họ nhập cư hoặc xã hội nguyên quán.”

Sáng kiến Ngày Thế Giới chống nạn buôn người

Chính vì muốn góp phần gây ý thức sâu rộng hơn trong dư luận quần chúng và cổ động sự dấn thân chống tệ nạn buôn người, nên Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam và dòng nữ, với sự ủng hộ của ĐTC Phanxicô cũng như sự bảo trợ của Bộ các dòng tu và hai Hội đồng Tòa Thánh: Công lý và Hòa bình, Mục vụ di dân và người lưu động, đã đề xướng việc cử hành “Ngày thế giới chống nạn buôn người”. Ngày này được cử hành lần đầu tiên hôm 8/2/2015, trùng vào lễ kính thánh Josephine Bakhita, nguyên là một thiếu nữ Sudan bên Phi châu bị bắt cóc năm lên 8 tuổi, bị bán đi bán lại nhiều lần như nô lệ. Về sau, khi được bán cho một gia đình người Ý, chị theo gia đình này hồi hương về Ý, rồi được giải thoát, trở lại Công Giáo và trở thành nữ tu dòng bác ái thánh Canossa.

Liên mạng “Talithà Kum”

Trong cuộc họp báo ngày 03/02/2015, 4 nữ tu đã trình bày những chứng từ và các sáng kiến chống nạn buôn người, đặc biệt là tổ chức Talithà Kum.

“Talithà Kum” là câu Chúa nói với con gái của ông trưởng hội đường Do thái, và có nghĩa là “Hỡi cô bé, hãy trỗi dậy!” và Chúa làm cho cô bé sống lại (Mc 5,22-43). Tổ chức này được thành lập như một mạng liên kết các mạng, nay bao gồm 24 mạng lưới hoạt động tại 81 quốc gia, để có thể tăng cường tối đa các tiềm năng của các dòng tu trong các lãnh vực này và huấn luyện những người dấn thân hoạt động trong các mạng đó hoặc làm việc tại chỗ.

Hồi tháng 7 năm ngoái (2021), hơn 3 ngàn nữ tu và giáo dân thuộc liên mạng Talitha Kum bắt đầu phát động chiến dịch qua các mạng xã hội chống nạn buôn người nhân dịp Ngày Thế giới chống tệ nạn này, được cử hành vào thứ sáu 30/7 năm ngoái.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News hôm 22/7/2021, Nữ Tu Gabrielle Bottani, điều hợp viên quốc tế của mạng Talitha Kum, cho biết chính ĐTC đã kêu gọi Liên mạng này biến “nền kinh tế buôn người thành nền kinh tế chăm sóc” và qua chiến dịch này, các nữ tu và giáo dân muốn đáp lại lời mời gọi của ĐTC. Săn sóc ở đây cũng có nghĩa là giáo dục, kiến tạo cơ may công ăn việc làm, trợ giúp y tế và pháp luật, cho những phụ nữ nạn nhân bị buôn bán, bị đưa vào vòng mại dâm hoặc nô lệ tình dục.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

27 tháng năm 2022, 12:22