ĐHY Kurt Koch: “Sự đa dạng được hoà giải” là điều cần thiết trong các Giáo hội Kitô
Ngọc Yến - Vatican News
Đức Hồng Y bắt đầu bài phát biểu nói về mục tiêu của phong trào đại kết theo quan điểm của Công giáo, bằng cách trích dẫn một trong những văn kiện nền tảng của Công giáo về chủ đề đại kết, đó là Sắc lệnh Đại kết- Unitatis redintegratio do Thánh Giáo hoàng Phaolô VI ban hành năm 1964. Văn kiện này tái khẳng định mọi Kitô hữu được liên kết với nhau qua bí tích Thánh tẩy, nền tảng đức tin và truyền thống, và Chúa muốn Giáo hội Người là một dấu chỉ cho thế giới. Tài liệu cũng xác định sự chia rẽ giữa các các Kitô hữu là hậu quả của tội, vì thế các Kitô hữu phải thống hối.
Nói về mục tiêu hiện nay của phong trào đại kết Đức Hồng Y mời gọi “một sự hiểu biết theo chiều ngang” của sự hiệp nhất, dựa trên sự hoà giải và cân bằng giữa các truyền thống Giáo hội khác nhau.
“Trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội, phong trào đại kết ngày nay phải đối diện với một thách đố lớn. Đó là thuyết đa nguyên, một thuật ngữ để chỉ cái gọi là trải nghiệm hậu hiện đại của thực tế”,Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn nhấn mạnh và nhắc lại cách các tham dự viên của Hội nghị Truyền giáo Thế giới lần thứ nhất, năm 1910 đã lưu ý rằng, sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu đe doạ uy tín chứng tá của họ trong thế giới. Và điều này cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trong Tông huấn Evangelii Gaudium, trong đó ngài đặc biệt đề cập đến bối cảnh của châu Á và châu Phi, ở hai châu lục này việc tìm kiếm các cách thức để hiệp nhất càng trở nên cấp thiết hơn.
Đức Hồng Y kết luận: “Chứng tá đại kết chung về Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay là điều có thể chỉ khi các Giáo hội vượt qua sự chia rẽ và có thể sống hiệp nhất trong sự đa dạng được hòa giải. Đại kết và sứ vụ không thể tách rời, bởi vì chỉ bằng cách này, 'Giáo hội của Thiên Chúa’ mới thực sự là 'cho thế giới của Thiên Chúa'".
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.