Cầu nguyện đại kết Cầu nguyện đại kết 

Tòa Thánh và Đại Hội thứ 11 của Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô

Đại hội lần thứ 11 của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô diễn ra từ ngày 31/8 đến 8/9/2022 tại thành phố Karlsruhe nam Đức về chủ đề: “Tình yêu Chúa Kitô chuyển động, hòa giải và hiệp nhất thế giới”. Giáo Hội Công Giáo cũng hiện diện với một phái đoàn 20 người, trong đó có Đức Cha Georg Baetzing, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Hội đồng đại kết

Hội đồng Đại kết các Giáo Hội Kitô được thành lập năm 1948 tại Hà Lan và hiện có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, và hiện quy tụ 352 Giáo Hội Kitô thành viên gồm Chính Thống, Tin Lành Luther, Baptiste, Cải Cách, Trưởng Lão, Anh giáo, Methodist, v.v., với tổng cộng khoảng 500 triệu tín hữu tại 120 nước trên thế giới. Hội đồng có một Ủy ban trung ương gồm 150 thành viên, dưới quyền một vị Tổng thư ký, và Hội đồng nhóm đại hội cứ 6 hoặc 8 năm một lần và là thẩm quyền cao nhất. Đại hội kỳ 10 trước đây đã diễn ra hồi năm 2013 tại thành phố Uppsala, Thụy Điển, và lần này là đầu tiên trong 50 năm qua, tiến hành tại Đức.

Trong thời gian qua, Ủy ban trung ương của Hội đồng, gồm 150 thành viên, đã bầu vị Tổng thư ký mới, vị thứ 8 trong lịch sử của Hội đồng, đó là Mục Sư Jerry Pillay, thuộc Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão bên Nam Phi, 68 tuổi, hiện là khoa trưởng khoa thần học và tôn giáo thuộc đại học Pretoria. Mục sư từng là Chủ tịch Liên hiệp thế giới các Giáo Hội Tin Lành cải cách từ năm 2010 đến 2017. Mục sư sẽ bắt đầu nhiệm vụ Tổng thư ký từ đầu năm tới, và hiện nay có vị Tổng thư ký lâm thời là Cha Ioan Sauca, thuộc Giáo Hội Chính Thống Rumani.

Đại hội tại Karlsruhe

Trong Đại Hội hiện nay tại Karlsruhe có bàn về việc đối thoại Kitô, các vấn đề thần học và chính trị xã hội, sự thay đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, giải trừ võ trang, chiến đấu chống nghèo đói. Chiến tranh Nga chống Ucraina cũng là một bóng đen ảnh ưởng trên đại hội, vì trong số các thành viên của Hội đồng đại kết cũng có những Giáo Hội đòi trục xuất Giáo Hội Chính Thống Nga ra khỏi Hội đồng này vì lập trường của Đức Thượng Phụ giáo chủ Kirill, tuy nhiên ban lãnh đạo Hội đồng quyết định duy trì sự đối thoại, và vì thế trong số các tham dự viên cũng có các đại biểu của Giáo Hội Chính Thống Nga.

Ngoài các phiên họp chính thức trong 9 ngày, thành phố Karsruhe và chính quyền bang Baden-Wuerttemberg ở địa phương cũng tổ chức 250 sinh hoạt song song về văn hóa và gặp gỡ, không kể các buổi lễ tôn giáo, theo các truyền thống và nghi lễ Kitô khác nhau.

Một số phát biểu

Lên tiếng trong buổi khai mạc hôm 31/8, Tổng thư ký Hội đồng Đại kết các Giáo Hội Kitô, Linh Mục Ioan Sauca, lên án chiến tranh tại Ucraina, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh nghĩa vụ đối thoại và không loại trừ Giáo Hội Chính Thống Nga.

Diễn văn này cũng là một bản phúc trình, trong đó Cha Sauca gọi chiến tranh Ucraina là một vết thương “xé lòng” trong thế giới ngày nay, nhưng Ban chấp hành Hội đồng không chấp nhận yêu cầu của một số Giáo Hội thành viên đòi trục xuất Giáo Hội Chính Thống Nga ra khỏi Hội đồng đại kết. Cha nói: “Gạt ra ngoài lề, tước đoạt quy chế thành viên và lên án thì dễ, nhưng trong tư cách là Hội đồng Đại kết các Giáo Hội Kitô, chúng ta được kêu gọi tạo nên một diễn đàn tự do và an toàn để gặp gỡ và đối thoại, lắng nghe nhau, kể cả khi chúng ta bất đồng với nhau. Đó là điều Hội đồng đại kết vẫn luôn theo đuổi và thực hiện”.

Linh Mục Sauca cũng đề cập đến những mong đợi của nhiều người nơi Hội đồng đại kết. Cha nói: “Một số nhóm, đặc biệt tại Đức, cáo buộc Hội đồng này là “bài Do thái”, trong khi một số nhóm tại Palestine và tại tây phương thì than phiền là Hội đồng quá mềm mỏng và thiếu can đảm trong việc tố giác và lên án những vụ vi phạm nhân quyền”. Hội đồng Đại kết các Giáo Hội Kitô công nhận Quốc gia Israel và tôn trọng quyền tự vệ của Israel, bảo vệ các công dân của mình theo công pháp quốc tế. Chúng tôi chống lại, loại bỏ và lên án mọi hình thức bài Do thái”.

Đồng thời Hội đồng đại kết đòi hỏi rằng “phẩm giá và nhân quyền của người Palestine phải được tôn trọng”. Chính các Giáo Hội thành viên của Hội đồng đại kết trong miền Trung Đông cũng tỏ ra rất thận trọng và tế nhị về nhãn hiệu “Apartheid”, phân biệt đối xử, gán cho Israel và phong trào tẩy chay đầu tư và trừng phạt Israel. Theo Cha Sauca, chúng ta cần nghe và theo những yêu cầu của họ.

Phúc trình dài của Linh Mục Tổng thư ký cũng bàn đến vấn đề tính dục con người, một đề tài tiếp tục chia rẽ các Giáo Hội Kitô thuộc các hệ phái khác nhau. Vì thế, Hội đồng đại kết không đưa ra lập trường và chính sách về vấn đề này, vì đây là những điều cần thảo luận trong mỗi Giáo Hội và đi tới xác tín thích hợp với mỗi Giáo Hội. Nhưng điều mà tất cả đều phải đồng ý là cần tôn trọng phẩm giá của mỗi người, chúng ta phải khẳng định và bảo vệ các quyền con người, lên án mọi hình thức bạo lực, tấn kích thể lý hay bằng lời nói, đồng thời phải quả quyết tất cả mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa”.

Lên tiếng của Công Giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng quan tâm đến Đại hội hiện nay của Hội đồng đại kết. Hôm 1/9, Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô đã tuyên đọc sứ điệp Đức Thánh Cha chào thăm các tham dự viên và ngài mời gọi các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái trên thế giới dấn thân trong cuộc chiến chống bất công và căng thẳng xã hội, đồng thời xây dựng hòa bình.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chiến tranh, kỳ thị, những hình thức bất công khác và căng thẳng kéo dài, kể cả nơi các tín hữu Kitô. Thế giới hoàn cầu hóa, trong đó chúng ta đang sống, đòi chúng ta làm chứng chung về Tin Mừng như câu trả lời cho những đòi hỏi cấp thiết của thời đại chúng ta”.

Ngài nhận xét rằng Đại Hội hiện nay ở thành phố Karlsruhe với sự tham dự của các đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và thuộc 350 Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội, tự nó đã là một biểu tượng về sự đa nguyên được hòa giải. Ngài hy vọng đại hội này càng tăng cường tình hiệp thông, để “Sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô nam nữ trở thành một dấu chỉ sáng ngời về niềm hy vọng và an ủi cho con người”.

Lập trường của Đức Hồng Y Kurt Koch

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ truyền đi ngày 11/8, 3 tuần trước đại hội, Đức Hồng Y Koch cho biết ngài hy vọng chủ đề của đại hội, “Tình yêu Chúa Kitô dẫn đưa thế giới đến sự hòa giải và hiệp nhất”, có thể thực sự chứng tỏ rằng tình yêu ấy có thể làm chuyển động trong thế giới và giữa các tín hữu Kitô chúng ta. Ngài nói: “Tôi hy vọng điều này sẽ được làm nổi bật dưới các khía cạnh khác nhau”.

Theo Đức Hồng Y Koch, một khía cạnh quan trọng khác chắc chắn được các Giáo Hội tại Đại hội đưa ra liên quan đến cuộc xung đột tại Trung Đông. Về điểm này ngài nói: “Tôi hy vọng sẽ có một viễn tượng hợp lý. Ở tây phương, phương châm theo đó tình yêu Thiên Chúa hòa giải là một sứ điệp quan trọng. Tòa Thánh luôn nhấn mạnh rằng cần phải hướng tới một giải pháp hai quốc gia ở Trung Đông. Khó lòng có thể có hòa bình và hòa giải giữa Israel và Palestine mà không có giải pháp này. Tôi hy vọng điều này được tái nhắc nhớ và những con đường có thể được vạch ra để giải quyết cuộc cuộc xung đột trầm trọng này. Cả Israel lẫn Palestine đều có quyền hiện hữu”.

Ngoài những khía cạnh xã hội đó, Đức Hồng Y Koch tỏ ra không lạc quan về đại kết và ngài tỏ ra nghi ngờ về cơ may đào sâu sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Kitô vì vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các Giáo Hội về mục đích của sự hiệp nhất.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ “Badisches Tagblatt” (Nhật báo miền Baden) bên Đức, số ra ngày 25/8, Đức Hồng Y Koch nói: “Ngày nay chúng ta đang gặp phải khó khăn, đó là chúng ta không có một quan điểm chung về mục đích của phong trào đại kết Kitô: mỗi Giáo Hội có quan niệm riêng về sự hiệp nhất của Giáo Hội và vì thế họ muốn biến ý tưởng đó thành mục tiêu của hiệp nhất. Ví dụ Giáo Hội Tin Lành Đức (EKD) khai triển kiểu mẫu giữa các Giáo Hội Tin Lành với nhau và thường áp dụng điều này trong tương quan với Giáo Hội Công Giáo chúng ta. Nhưng đại kết không thể là toan tính áp đặt điều gì đó cho người đối tác với bạn. Đúng hơn, chúng ta phải tìm ra trong cuộc đối thoại những gì chúng ta có chung với nhau”.

Nhưng để có đối thoại đại kết thì sự hiệp nhất trong nội bộ Giáo Hội của mình cũng là điều cần thiết. “Làm sao ta có thể sống tình hiệp nhất một cách đáng tin cậy với các tín hữu Kitô khác nếu ta từ bỏ chính sự hiệp nhất trong Giáo Hội của mình”.

Tiếp tục hy vọng

Tuy có những khó khăn trên đây, nhưng lập trường của Giáo Hội Công Giáo là tiếp tục hy vọng và nỗ lực cộng tác vào tiến trình hòa giải và hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô. Điều này đã được chính Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ trong cuộc viếng thăm trụ sở Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève ngày 21/6/2018, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng này. Ngài nói:

“Sau bao nhiêu năm dấn thân đại kết, trong năm kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Đồng đại kết này, chúng ta hãy cầu xin Thánh Thần củng cố bước đường của chúng ta. Khựng lại trước những khác biệt còn tồn đọng, đó là điều quá dễ dàng; quá nhiều khi ta bị chặn lại ngay từ lúc mới khởi hành, vì bị suy nhược do thái độ bi quan. Ước gì những cách biệt không phải là cái cớ để tự bào chữa, và ngay bây giờ chúng ta có thể tiến bước theo Thần Khí: cầu nguyện, loan báo tin Mừng, cùng nhau phục vụ, đó là điều có thể và làm đẹp lòng Chúa! Cùng nhau tiến bước, cầu nguyện, làm việc chung với nhau, đó là con đường tốt nhất của chúng ta.

“Con đường này có một mục tiêu rõ ràng, đó là sự hiệp nhất. Con đường trái ngược, con đường chia rẽ đưa tới chiến tranh và tàn phá. Chúa yêu cầu chúng ta liên tục bước vào con đường hiệp thông dẫn đến hòa bình. Thực vậy, chia rẽ là công khai chống lại ý Chúa Kitô, nhưng nó cũng là gương mù cho thế giới và gây thiệt hại chính nghĩa thánh thiêng nhất, đó là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (UR 1). Chúa yêu cầu chúng ta hiệp nhất; thế giới đang bị xâu xé vì quá nhiều chia rẽ gây thiệt hại nhất là cho những người yếu thế, đang yêu cầu hiệp nhất”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

09 tháng chín 2022, 10:19