Toà Thánh: Tất cả các quốc gia đều là công cụ hoà bình
Ngọc Yến - Vatican News
Đức Tổng Giám Mục Nwachukwu giải thích, tại thời điểm này, “tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành công cụ hòa bình và làm việc vì tinh thần trách nhiệm mới và tình liên đới, đồng thời thúc đẩy bầu khí hợp tác và tin tưởng lẫn nhau như là nền tảng của hòa bình lâu dài”. Theo nghĩa này, “Tòa Thánh tái lời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hành con đường giải trừ quân bị hoàn toàn”.
Tiếp đến, vị đại diện Toà Thánh cho rằng các cuộc xung đột, bất ổn chính trị xã hội và thiên tai là những nguyên nhân chính của việc di cư. Tuy nhiên, những cuộc di cư này không phải lúc nào cũng là một lựa chọn dễ dàng, và nhiều khi thực hiện trên những hành trình nguy hiểm. Vì thế, cộng đồng quốc tế không chỉ cung cấp viện trợ nhân đạo trong những tình huống khẩn cấp, thúc đẩy sự hội nhập cho người di cư, nhưng cũng cần phải hợp tác ở cấp độ đa phương để đảm bảo quyền của mọi người được ở lại quê hương trong hoà bình và an ninh.
Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám Mục Nwachukwu còn đề cập đến quyền sống và bảo vệ tự do tôn giáo. Về quyền sống, ngài nói: “Khi sự sống không được nhìn nhận như một giá trị tự thân, nó có thể bị nghiêng về những lợi ích cá nhân, đặc biệt khi những người bị ảnh hưởng không thể tự bảo vệ. Điều này bao gồm trẻ em, thai nhi, người bệnh, người già và người khuyết tật. Rồi quyền được sống cũng bị đe dọa bởi việc thi hành án tử hình, mà đáng tiếc là vẫn còn quá phổ biến”.
Đối với tự do tôn giáo, ngài nói vấn đề phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo đang ảnh hưởng đến một phần ba dân số thế giới. Điều đáng lo ngại là mọi người đang bị bách hại chỉ vì công hai tuyên xưng đức tin. Đức Tổng Giám Mục nhắc lại lời Đức Thánh Cha: “Tự do tôn giáo không thể chỉ giản lược thành tự do ở nơi thờ phượng, nhưng đó là một trong những điều kiện cần thiết để có một cuộc sống xứng nhân phẩm”. (CSR_938_2023)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.