SLOVAKIA-DIPLOMACY-SECURITY-GLOBSEC

ĐHY Gallagher: Ngoại giao của Toà Thánh là giữ cho ý tưởng về một tiến trình hoà bình tồn tại

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo La Stampa, trước khi tổng thống Ucraina được Đức Thánh Cha tiếp kiến, nhưng ngày 31/5, hãng tin mới công bố, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh khẳng định rằng bất cứ điều gì Vatican có thể làm đều nhằm cố gắng đưa Nga và Ucraina ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt. Phải giữ cho ý tưởng về một tiến trình hòa bình tồn tại.

Ngọc Yến - Vatican News

Câu hỏi đầu tiên phóng viên đặt ra liên quan đến tình hình chiến sự ở Ucraina dường như không thể hoà giải và hỏi Đức Tổng Giám Mục rằng ngài có thấy một lối thoát không? Ngoại trưởng Toà Thánh trả lời: “Có, nhưng đó là một điều phức tạp. Toà Thánh phải xoay xở chương trình nghị sự trong quá trình ngoại giao. Giống như một nghệ sĩ tung hứng, chúng tôi phải giữ quả bóng ở trên không - chúng tôi không muốn nó rơi xuống đất. Chúng tôi phải giữ cho ý tưởng về một tiến trình hòa bình tồn tại. Chúng tôi nhận ra những khó khăn, chúng tôi hiểu những đau khổ của người dân Ucraina và vị trí của các nhà lãnh đạo của họ. Nhưng đồng thời, như tổng thống Zelensky đã nói, ‘cuộc chiến này sẽ kết thúc trên bàn đàm phán’. Vì vậy, bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm, những nỗ lực của chúng tôi đều nhằm cố gắng đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt".

Liên quan đến sứ vụ thúc đẩy hoà bình được Đức Thánh Cha uỷ thác cho Đức Hồng Y Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Gallagher xác nhận rõ ràng rằng, ngay từ đầu Đức Thánh Cha đã có dự án hoà bình cho Ucraina. Từ ngày 24/02/2022, Đức Thánh Cha liên tục xem xét những ý tưởng và đề xuất có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc xung đột và khởi xướng những con đường cho một hoà bình. Hiện nay, như Phòng Báo chí Toà Thánh đã xác nhận, thời gian và cách thức đang được nghiên cứu. Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Chúng ta hy vọng và cầu nguyện cho sứ vụ tế nhị này, biết rằng thời gian và sự mau lẹ cũng rất quan trọng”.

Một câu hỏi khác về mối liên hệ của Iran và Trung Quốc với Nga được xem là có vấn đề, vì Iran là nhà tài trợ chính cho khủng bố quốc tế và là mối đe doạ cho toàn thế giới, hiện đang cung cấp vũ khí cho Nga. Tuy nhiên Trung Quốc lại muốn làm trung gian hoà giải giữa Nga và Ucraina, Đức Tổng Giám Mục nói lập trường của Toà Thánh là bất cứ quốc gia nào có liên quan đến việc làm thế nào để chấm dứt chiến tranh thì Toà Thánh đều quan tâm. Vì thế, nếu Trung Quốc có thể đóng góp, nếu họ có các kênh tiếp cận Moscow và cả Kiev, Toà Thánh đều hoan nghênh.

Đối với Iran, Ngoại trưởng giải thích: “Chúng tôi luôn nói rằng Iran phải hành động có trách nhiệm trong các quan hệ với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt ở khu vực Trung Đông, chúng tôi luôn tin rằng Iran có một vai trò rất quan trọng ở Libăng, Syria và Iraq. Rõ ràng, chúng tôi muốn thấy họ đóng góp tích cực cho tình huống này. Có thể điều đó có nghĩa là họ cần xem xét - thay đổi - chính sách của họ. Nhưng trong quan hệ ngoại giao, chúng tôi sẽ khuyến khích họ. Chúng tôi có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran. Các Kitô hữu không phải là không gặp thách đố ở Iran, và chúng tôi tiếp tục làm việc với chính quyền để cải thiện điều kiện sống của người Công giáo ở Iran. Đôi khi có một số thành công, đôi khi ít hơn, nhưng chúng tôi vẫn làm việc với chính quyền Iran”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

01 tháng sáu 2023, 13:10