2022.08.27 Concistoro Ordinario Pubblico per la creazione di nuovi Cardinali

Dư âm việc Đức Thánh Cha tuyên bố bổ nhiệm 21 Hồng Y mới

Tin Đức Thánh Cha tuyên bố triệu tập công nghị Hồng Y vào ngày 30/9/2023 để bổ nhiệm thêm 21 Hồng Y mới là biến cố chính được báo giới bàn luận và phân tích nhiều nhất trong suốt tuần qua. Đây không những là biến cố có liên hệ nhiều tới tương lai Giáo Hội, nhưng cũng vì đây là mùa Tòa Thánh đang nghỉ hè, không có sinh hoạt nào quan trọng.

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Đâu là những khía cạnh được báo chí chú ý nhiều trong việc bổ nhiệm này của Đức Thánh Cha?

Giữ kín và gây ngạc nhiên

Cũng như 8 lần tuyên bố Công nghị tấn phong Hồng Y trước đây của Đức Thánh cha, lần này các tiến chức cũng đều là những người ngạc nhiên trước tiên, bất ngờ vì được chọn. Nhiều vị chỉ hay biết, vì có những người điện thoại tới chúc mừng, và không hề nghĩ đến “mũ đỏ”, như Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Thượng Phụ Công Giáo La tinh ở Giêrusalem được chọn làm Hồng Y.

Tiêu chuẩn chọn lựa Hồng Y của Đức Thánh Cha

Từ lâu, giới nhà báo đã tìm hiểu đâu là tiêu chuẩn theo đó Đức Thánh Cha Phanxicô chọn Hồng Y. Với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, người ta có thể đoán được vị nào có thể được chọn làm Hồng Y, nhưng với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này rất khó. Ngài thường không nhất thiết chọn làm Hồng Y những vị Tổng Giám Mục coi các giáo phận, hoặc những chức vụ vốn do Hồng Y đảm trách vì vị thế quan trọng của giáo phận. Vì thế vị Tổng Giám Mục hiện thời của giáo phận Milano, lớn nhất Âu Châu, cho đến nay vẫn không được chọn làm Hồng Y, hay như Tổng giáo phận Los Angeles lớn nhất tại Mỹ, hoặc Tổng giáo phận Lima, thủ đô Peru. Tuy nhiên Đức tân Tổng Giám Mục Cabo Cano giáo phận Madrid, Tây Ban nha, vừa từ Giám Mục Phụ tá lên làm Tổng Giám Mục chính tòa, sắp trở thành Hồng Y vào ngày 30/9 tới đây.

Một điều có thể là các ứng viên được Đức Thánh Cha chọn là những người có cùng đường lối hoạt động như ngài, hoặc như mong muốn của ngài. Như Đức Cha Francois-Xavier Bustillo, 54 tuổi, người Tây Ban Nha nhưng nhập tịch Pháp, thuộc dòng Phanxicô Viện Tu, Giám Mục giáo phận Ajaccio nhỏ bé, thủ phủ đảo Corse ở Pháp. Ngài là tác giả cuốn sách tựa đề “Chứng nhân chứ không phải công chức” (Testimoni, non funzionari), được Đức Thánh Cha chú ý và nhân dịp lễ làm phép dầu sáng thứ 5 Tuần thánh năm ngoái, 2022, Đức Thánh Cha đã tặng các linh mục và giám mục hiện diện cuốn sách này.

Phải chăng có những nước bị bỏ quên?

Cũng có những người đặt câu hỏi: phải chăng có những nước bị “bỏ quên” trong việc chọn Hồng Y mới?

Ví dụ từ 20 năm nay, không có Hồng Y mới nào được bổ nhiệm cho Giáo Hội tại Australia, tức là từ sau khi Đức Tổng Giám Mục Georg Pell, Tổng Giám Mục giáo phận Sydney được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2003 do ĐGH Gioan Phaolô II. Rồi từ năm 2014, khi ngài được mời về Vatican làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và qua đời ngày 10/1 năm nay (2023), Giáo Hội tại Australia không có thêm Hồng Y nào nữa, mặc dù tại châu Úc, New Zealand có Đức Hồng Y John Atcherley Dew, 75 tuổi (1948) nguyên Tổng Giám Mục Wellington, và 1 Hồng Y ở đảo Tongo là Soan Patita Paini Mafi, năm nay 62 tuổi (1961), thuộc dòng Đức Mẹ (S.M), được bổ nhiệm làm Hồng Y hồi năm 2015, chủ chăn của 13 ngàn tín hữu Công Giáo tổng số 100 ngàn dân cư, phần lớn là Tin Lành, sống rải rác tại 53 hải đảo.

Tổng giáo phận Sydney là giáo phận lớn nhất tại Úc châu với 667 ngàn tín hữu Công Giáo, từ năm 2014 do Đức Tổng Giám Mục John Fisher dòng Đa Minh coi sóc. Ngài cũng là giáo chủ Công Giáo Úc.

Hoặc như giáo sư Massimo Faggioli ở Đại học Villanova bang Pennsylvania ở Mỹ nói với đài Domradio ở Koeln bên Đức rằng “Nước Đức bị ĐGH Phanxicô phạt khi bổ nhiệm Hồng Y”, có thể vì Đức Thánh Cha thấy Giáo Hội này quá “duy ưu tú và học thuật”, như ngài đã nhận xét về “Con đường công nghị” của Giáo Hội này. Ngài không ủng hộ tiến trình đang được theo đuổi trong Công Giáo Đức.

Quan tâm bảo tồn gia sản cải tổ

Cũng có một số báo chí cho rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm để đường hướng cải tổ Giáo Hội do ngài đề ra sẽ được vị Giáo Hoàng tương lai tiếp nối. Vì thế ngài chọn những vị Hồng Y có cùng hướng đi và quan tâm như ngài.

Với đợt bổ nhiệm này, từ ngày 30/9 tới đây, tổng số Hồng Y cử tri lên tới 136 vị, tức là nhiều hơn 16 vị so với con số tối đa 120 vị do ĐGH Phaolô VI ấn định. Trong số các Hồng Y cử tri này có 99 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm, 31 vị do Đức Biển Đức XVI và 9 vị do ĐGH Gioan Phaolô II. Giới báo chí Ý nhận định rằng trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng mới, trong số các Hồng y Ý sắp được bổ nhiệm, không có vị cử tri nào là Giám mục giáo phận tại Ý.

Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 7 Hồng Y tròn 80 tuổi và không còn quyền bầu Giáo Hoàng. Năm tới 2024 có thêm 12 Hồng Y tròn 80 tuổi. Với việc bổ nhiệm Hồng Y sắp tới, Đức Thánh Cha trang bị cho Hồng Y đoàn những vị do ngài bổ nhiệm qua nhiều năm và là những vị có cùng hướng đi như ngài: đó là quan tâm nhiều đến mục vụ, “mục tử hơn là công chức”.

Trong chiều hướng này, có ký giả nhận xét về sự kiện Đức Thánh Cha chọn hai vị Sứ thần Tòa Thánh tại hai nước có hàng Giám mục đông đảo nhất, là Mỹ và Ý: Đức Hồng Y Christophe Pierre, người Pháp, Sứ thần Toà Thánh tại Mỹ, và Đức Hồng Y Emil Paul Tscherrig, người Thụy sĩ, Sứ thần Tòa Thánh tại Ý. Cả hai vị đều đã quá 75 tuổi, tuổi về hưu. Nhưng khi phong làm Hồng Y, Đức Thánh Cha muốn hai vị tiếp tục ở lại nhiệm sở bao lâu ngài muốn. Một vai trò quan trọng của các vị Sứ thần Tòa Thánh là chọn ứng viên Giám mục. Xét cho cùng, hàng Giám mục Mỹ và Ý đã được Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi rất nhiều, ngài chọn những mục tử theo cùng đường hướng của ngài.

Đề cao đối thoại

Một bổ nhiệm cũng được dư luận chú ý lần này là Đức Thánh Cha đã chọn Đức Cha Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), dòng Tên, Giám mục Hồng Kông, làm Hồng Y, người có lập trường khác hẳn với Đức Hồng Y lão thành Giuse Trần Nhật Quân. Đức Giám mục Hồng Kông hiện tại chủ trương đối thoại với Nhà nước Bắc Kinh và hồi tháng 4 vừa qua ngài đã viếng thăm Đức Cha Lý Sơn (Li Shan), Tổng Giám Mục thủ đô Bắc Kinh, thuộc hội Công Giáo yêu nước, như một dấu chỉ tiếp tục đối thoại, và Đức Cha Chu Thủ Nhân cũng mời Đức Tổng Giám Mục Lý Sơn đến thăm Hồng Kông, để tiếp tục con đường “hiệp nhất” trong hàng Giám mục ở Trung Quốc.

Con số đáng kể các Hồng Y thuộc các dòng tu

Một nhận xét khác cũng được giới báo chí nói đến đó là trong số 243 Hồng Y của Giáo Hội, từ ngày 30/9 tới đây, có 56 vị thuộc các dòng tu, trong đó có 33 Hồng Y cử tri và 23 vị trên 80 tuổi.

Đứng đầu danh sách là dòng Salêdiêng Don Bosco với 11 vị, trong đó có 5 Hồng Y cử tri, gồm Đức Hồng Y Charles Bo người Myanmar, Đức Hồng Y Carmo da Silva người Đông Timor, Đức Hồng Y Sturla người Uruguay, sau cùng là Đức Hồng Y tân cử Artime, người Tây Ban Nha, Bề trên Tổng quyền dòng Don Bosco. Trong số 6 Hồng Y thuộc Dòng trên 80 tuổi có Đức Hồng Y Bertone, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga, người Honduras, cựu chủ tịch Hội đồng cố vấn của Đức Thánh Cha.

Tiếp đến là 10 vị Hồng Y thuộc gia đình dòng Phanxicô gồm dòng Anh em Hèn mọn, Capuchino và Viện tu, trong đó có 7 vị Hồng Y cử tri. 3 Hồng Y cử tri thuộc dòng Capuchino là Ambongo, Tổng Giám Mục Kinshasa của CHDC Congo, ĐHY Aos Braco, người Chile, sau cùng là Đức Hồng Y O'Malley, Tổng Giám Mục Boston bên Mỹ. Hai vị Hồng Y cử tri dòng Anh em hèn mọn Phanxicô là Đức Hồng Y Steiner người Brazil gốc Đức, và Đức Hồng Y tân cử Pizzaballa, Thượng Phụ Công Giáo La tinh ở Giêrusalem. Sau cùng dòng Phanxicô Viện Tu có Đức Hồng Y Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô và Đức Hồng Y tân cử Bustillo, Giám mục giáo phận Ajaccio ở đảo Corse bên Pháp.

Có 9 Hồng Y thuộc dòng Tên như Đức Thánh Cha, trong đó có 6 vị dưới 80 tuổi là ĐHY Barreto Jimeno người Peru, Czerny người Canada gốc Tiệp, Hollerich người Luxemburg, Ladaria Ferrer người Tây Ban Nha, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và ĐHY tân cử Rossi người Argentina, sau cùng là Đức Hồng Y Chu Thủ Nhân Giám mục Hồng Kông.

Dòng thánh Augustinô có 2 Hồng y, tất cả đều là cử tri đó là Đức Hồng Y Prevost người Mỹ, tân tổng trưởng bộ Giám Mục và Đức Hồng Y Lacunza thuộc dòng Augustino Nhặt Phép.

Dòng Đaminh có 2 Hồng Y là Đức Hồng Y cử tri Schoenborn người Áo, và Đức Hồng Y Duka người Tiệp, trên 80 tuổi.

Có 2 Hồng Y thuộc dòng Lazariste, trong đó có Đức Hồng Y cử tri Souphariel người Ethiopia, và Đức Hồng Y Rodé người Slovenia trên 80 tuổi.

Dòng thánh Claret có 2 Hồng Y trên 80 tuổi. Các dòng còn lại có một Hồng Y là dòng Cát Minh, dòng Thánh Comboni, Dòng Thánh Giá, Tu hội Thánh Ý Chúa (Voluntas Dei) có Đức Hồng Y người Lào, Dòng Sai Đức Mẹ An ủi có Hồng Y Marengo thừa sai ở Mông Cổ, Tu đoàn Xuân Bích, Dòng thừa sai Thánh Tâm, Dòng Xitô, dòng Chúa Cứu Thế và sau cùng là dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

16 tháng bảy 2023, 09:05