Tòa Thánh: Những nỗ lực giúp Châu Phi phải hỗ trợ chứ không áp đặt
Vatican News
Tại cuộc tranh luận tập trung vào việc “Tăng cường vai trò của Nhà nước Châu Phi trong việc giải quyết các thách thức An ninh và Phát triển Toàn cầu”, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia nhấn mạnh: “Trước một làn sóng chủ nghĩa thực dân mới và sự bóc lột đang diễn ra, cộng đồng quốc tế phải cam kết giúp thăng tiến và bảo vệ phẩm giá của người dân Châu Phi”.
Phúc lành và thử thách
Trong khi nhấn mạnh rằng Châu Phi được ưu đãi với nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, cùng với di sản văn hóa phong phú, Đức Tổng giám mục cũng công nhận rằng châu Phi đang “bị bao vây bởi nhiều thách thức”, bao gồm xung đột, khủng bố, tác động của biến đổi khí hậu và cuộc vật lộn đang diễn ra để phát triển kinh tế và xoá bỏ đói nghèo.
Ngài nhận xét: “Những thách thức này đã dẫn đến sự bất ổn và cản trở tiến trình phát triển ở nhiều nước châu Phi, dẫn đến đau khổ lan rộng cho nhiều người”.
Trong bối cảnh này, Quan sát viên thường trực tiếp tục đưa ra hai lĩnh vực chính góp phần tăng cường vai trò của các quốc gia châu Phi trong việc giải quyết các thách thức an ninh và phát triển của họ.
Hai yếu tố then chốt
Trước hết, ngài khen ngợi những tiến bộ to lớn mà các quốc gia châu Phi đạt được trong việc giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của lục địa. Ngài ca ngợi những thành quả và nói rằng họ phải tiếp tục hợp tác cùng nhau.
Thứ hai, Đức Tổng giám mục nói thêm, cộng đồng quốc tế phải giúp đỡ châu Phi, đặc biệt là trong bối cảnh “thực tế đáng lo ngại” rằng một số quốc gia vẫn đang khai thác người dân châu Phi và tài nguyên thiên nhiên của lục địa này.
Nỗ lực hỗ trợ và không áp đặt
Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cảnh báo rằng “Hiện đang có một làn sóng chủ nghĩa thực dân mới, không tôn trọng phẩm giá con người vốn có của tất cả mọi người, làm suy yếu lợi ích chung và đe dọa các nỗ lực xoá bỏ đói nghèo”.
Vì vậy, Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết, “điều quan trọng nhất là cộng đồng quốc tế phải hành động tập thể để đảm bảo rằng tất cả những người nam nữ và trẻ em trên khắp châu Phi trở thành những tác nhân xứng đáng cho vận mệnh của chính họ”.
Đức Tổng giám mục khuyến khích: những nỗ lực phải được thực hiện “để hỗ trợ, thay vì áp đặt” và “để mang lại cho Châu Phi quyền tự do theo đuổi các chính sách phát triển con người toàn diện”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.