2024.06.08 Lettere Credenziali di diversi Paesi

ĐTC Phanxicô tiếp các tân đại sứ cạnh Tòa Thánh của các nước Ethiopia, Zambia, Tanzania, Burundi, Qatar và Mauritania

Sáng thứ Bảy ngày 8/6/2024, tiếp các tân đại sứ của các nước Ethiopia, Zambia, Tanzania, Burundi, Qatar và Mauritania đến trình ủy nhiệm thư, Đức Thánh Cha đã chia sẻ ưu tư về gia đình nhân loại đang bị xé nát bởi chiến tranh, nạn di cư, biến đổi khí hậu... và gọi các đại sứ là dấu hiệu của hy vọng và hòa bình.

Hồng Thủy - Vatican News

Đức Thánh Cha chia sẻ với các tân đại sứ về ba chủ đề có thể hướng dẫn họ trong việc phục vụ.

Gia đình

Thứ nhất: gia đình. Đức Thánh Cha nói rằng hình ảnh gia đình được áp dụng cho cộng đồng quốc tế là phù hợp, bởi vì gia đình “là nơi đầu tiên trong đó các giá trị tình yêu và tình huynh đệ, sự chung sống và chia sẻ, sự quan tâm và chăm sóc người khác” (Thông điệp Fratelli tutti, 114). Công việc ngoại giao cao quý vì nhắm thúc đẩy và phát triển những giá trị này, những giá trị không thể thiếu cho sự phát triển đích thực và toàn diện của mỗi người, cũng như cho sự tiến bộ của các dân tộc. Do đó ngài khuyến khích các đại sứ và các chính phủ nỗ lực trong việc vun trồng công ích, bảo vệ các quyền cơ bản và phẩm giá của tất cả mọi người và xây dựng một nền văn hóa liên đới và hợp tác huynh đệ.

Để giải quyết những thách đố đối với cơ cấu của gia đình các quốc gia ngày nay như xung đột dân sự, khu vực và quốc tế, các vấn đề di cư bắt buộc, nạn buôn người, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu, tỷ lệ sinh giảm, theo Đức Thánh Cha, "chúng ta cần tham gia đối thoại hướng tới tương lai, mang tính xây dựng và sáng tạo, dựa trên sự trung thực và cởi mở, để tìm ra các giải pháp chung và củng cố mối liên kết liên đới chúng ta như anh chị em trong gia đình toàn cầu".

Hy vọng

Trả lời cho câu hỏi "chúng ta muốn con cái mình và con cái chúng sống trong một thế giới như thế nào", Đức Thánh Cha, nói đến hy vọng. Ngài nói: "Đối mặt với sự không chắc chắn về tương lai, chúng ta dễ trở nên chán nản, bi quan và thậm chí hoài nghi. Tuy nhiên, niềm hy vọng giúp chúng ta nhận ra hiện tại tốt đẹp trên thế giới và mang lại cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đối mặt với những thách thức của thời đại chúng ta".

Ngài nói rằng các đại sứ là những dấu hiệu của niềm hy vọng, bởi vì họ là những người đang cố gắng xây dựng những cây cầu giữa các dân tộc chứ không phải những bức tường, góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng và nhân đạo hơn, trong đó tất cả mọi người đều được chào đón và có những cơ hội cần thiết để cùng nhau tiến bước trên con đường huynh đệ và chung sống hòa bình.

Hòa bình

Hòa bình, từ thứ ba Đức Thánh Cha chia sẻ, theo ngài, là “kết quả của những mối quan hệ nhìn nhận và chào đón người khác trong phẩm giá bất khả nhượng của họ” (Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024). Ngài nói: "Các đại sứ là một dấu hiệu hùng hồn về ý chí của các quốc gia và của toàn thể cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các tình huống bất công, phân biệt đối xử, nghèo đói và bất bình đẳng đang gây đau khổ cho thế giới của chúng ta và cản trở những khát vọng hòa bình".

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

08 tháng sáu 2024, 10:19