2024.08.06 Philippines AI conference Ruffini

Vatican mời gọi Giáo hội Philippines tham gia định hình “Đạo đức cho trí tuệ nhân tạo”

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Truyền thông Xã hội Công giáo Quốc gia lần thứ 7 của Giáo hội Philippines, vào ngày 05/8/2024, ông Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông mời gọi Giáo hội đi đầu trong việc định hình khuôn khổ đạo đức cho trí tuệ nhân tạo.

Vatican News

Nhấn mạnh trách nhiệm của Giáo hội trong việc hướng dẫn những tiến bộ công nghệ với sự sáng suốt về mặt đạo đức và các giá trị lấy con người làm trung tâm, tiến sĩ Ruffini nói: “Thế giới kỹ thuật số không phải là thứ có sẵn. Thế giới này đang thay đổi mỗi ngày. Chúng ta có thể thay đổi và định hình thế giới này. Và chúng ta cần những nhà truyền thông Công giáo thực hiện điều đó, bằng tình yêu thương và trí thông minh của con người”.

Vì thế theo Tổng trưởng Bộ Truyền thông, vấn đề cơ bản không phải là về máy móc, nhưng về phía con người, chúng ta. Luôn có và sẽ luôn có những thứ mà công nghệ không thể thay thế, như sự tự do, như sự kỳ diệu của cuộc gặp gỡ giữa con người, như sự ngạc nhiên của điều bất ngờ, sự hoán cải, sự bộc phát của sự khéo léo, tình yêu vô điều kiện. Không chỉ là thực tế văn hóa sẽ thay đổi. Đó là một kỷ nguyên đang thay đổi. Chúng ta cần phải theo sát chặt chẽ công nghệ đang phát triển không ngừng.

Ông đề nghị, trong các cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo, không chỉ xoay quanh công nghệ nhưng còn phải quan tâm đến đạo đức và triết học. Ở điểm này cần có sự tham gia tích cực của Giáo hội. Ông nói: “Chúng ta cần các quy tắc, đạo đức, tư duy triết học và thần học, chứ không chỉ là công nghệ. Chúng ta cần nhìn xa hơn. Chúng ta cần nhận thức và trách nhiệm. Điều này thách đố các chính trị gia, các triết gia, các nhà giáo dục và cũng thách đố Giáo hội”.

Trong bài phát biểu, Tổng trưởng Bộ Truyền thông còn bày tỏ lo ngại về khả năng trí tuệ nhân tạo có thể khoét sâu thêm bất bình đẳng xã hội hiện có và sự cô lập nếu không được kiểm soát. Ông nhận định: “Câu hỏi cơ bản là công cụ mới này sẽ làm cho mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên bền chặt hơn và cộng đồng gắn kết hơn không? Hay ngược lại, sẽ làm tăng sự cô đơn của những người vốn đã cô đơn, lấy đi sự ấm áp mà chỉ có giao tiếp trực tiếp mới có thể mang lại cho mỗi chúng ta?”

Cuối cùng, tiến sĩ Ruffini nhấn mạnh vấn đề quan trọng là liệu trí tuệ nhân tạo có thể được phát triển để tăng cường bình đẳng hay không, thay vì thiết lập các hệ thống phân cấp mới dựa trên sức mạnh thông tin. Hiện nay, có người lo ngại trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến các hình thức bóc lột và bất bình đẳng mới bằng cách tập trung kiểm soát các thuật toán và dữ liệu, thường được trích xuất từ các khía cạnh riêng tư trong cuộc sống của mỗi cá nhân.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

06 tháng tám 2024, 13:51