BANGLADESH-POLITICS-DEMONSTRATION-HASINA

Vatican lên kế hoạch đối thoại tại Bangladesh vì sự hòa hợp tôn giáo

Bộ Đối thoại Liên tôn mong muốn cử một phái đoàn tới Bangladesh nhằm nhấn mạnh sự hòa hợp tôn giáo tại quốc gia Nam Á này, nơi các nhóm tôn giáo thiểu số đã bị tấn công sau cuộc biến động chính trị gần đây.

Vatican News

Đề xuất này được đưa ra sau khi các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt các tín đồ Ấn giáo, phải đối diện với một loạt các cuộc tấn công sau cuộc nổi dậy đẫm máu do sinh viên lãnh đạo lật đổ Thủ tướng Sheikh Hasina và đảng Liên đoàn Awami của bà khỏi quyền lực vào ngày 05/8 vừa qua.

Hơn 800 người đã thiệt mạng và khoảng 18.000 người bị thương khi yêu cầu cải cách chính sách của sinh viên biến thành cuộc nổi loạn chống chính phủ trên toàn quốc. Chế độ của thủ tướng Hasina đã sử dụng vũ lực để dập tắt các cuộc biểu tình, gây ra hầu hết các trường hợp tử vong.

Sau khi bà Hasina chạy trốn, nhà cửa và tài sản của các nhóm tôn giáo thiểu số, chủ yếu của các tín đồ Ấn giáo, những người ủng hộ truyền thống của đảng bà Hasina, đã bị tấn công. Chỉ tính từ ngày 05 đến 20/8, ít nhất 1.068 ngôi nhà và doanh nghiệp của người thiểu số đã bị tấn công, trong khi 22 nơi thờ phượng cũng bị tấn công.  

Cố vấn đối ngoại Bangladesh Touhid Hossain cho biết hầu hết các cuộc tấn công đều có động cơ chính trị chứ không phải vì lý do tôn giáo.

Trước tình hình này, Đức Tổng Giám Mục Kevin S. Randall, Sứ thần Tòa Thánh tại Bangladesh cho biết, Bộ Đối thoại Liên tôn lên kế hoạch cử một phái đoàn đến Bangladesh, gặp gỡ các học giả Hồi giáo và đối thoại về hành trình đức tin của họ, cụ thể nhấn mạnh sự hòa hợp tôn giáo tại quốc gia Nam Á này.

Ngày 09/9, Đức Tổng Giám Mục Randall đã gặp ông Muhammad Yunus, người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh, và truyền đạt thông điệp này.

Một quan chức Bộ ngoại giao Bangladesh tham dự cuộc gặp gỡ nói rằng chính phủ sẽ tiến hành làm việc với Vatican sau khi nhận được đề xuất và lịch trình cụ thể.

Sứ thần Toà Thánh nhận xét, ở Bangladesh trong nhiều thập kỷ, các tín đồ của các tôn giáo đã chung sống hòa thuận nhưng “vẫn còn một số nhầm lẫn” nơi người dân và trong các cơ quan chính phủ về ý tưởng tự do tôn giáo. Mọi người đều thiếu hiểu biết rằng các nhóm tôn giáo thiểu số có thể thực hành đức tin ở mà không bị đe dọa. Vì vậy, đối thoại ở cấp độ học giả là để nhắc nhở rằng Bangladesh không phải là quốc gia tôn giáo. Hồi giáo là tôn giáo chính thức, nhưng điều đó không ngăn cản người Ấn giáo thực hành đức tin.

Thực tế, trong nền chính trị “dân tộc-tôn giáo” được thực hành ở tiểu lục địa Ấn Độ, các tôn giáo đã bị sử dụng để đạt được mục đích chính trị. Vì thế các học giả tôn giáo phải lên tiếng phản đối việc sử dụng tôn giáo như một công cụ chính trị, và cần hiểu rõ hơn về cách tôn giáo có thể mang lại hòa bình cho mọi người và sự hiểu biết đó cần phải đến được với mọi người.

Quốc gia này có dân số khoảng 170 triệu người, 91% Hồi giáo và gần 8% theo Ấn giáo. Tất cả các tôn giáo khác, bao gồm cả Kitô giáo, chiếm 1% phần còn lại. Người Công giáo chưa tới 500.000 người.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

17 tháng chín 2024, 11:08