Các tham dự viện Khóa hai của THĐGM về hiệp hành Các tham dự viện Khóa hai của THĐGM về hiệp hành  (Vatican Media)

Các tham dự viên THĐGM quyên góp 62 ngàn euro cho giáo xứ ở Gaza

Trưa ngày 8/10/2024, trong cuộc họp báo về công việc của Thượng Hội đồng, ông Paolo Ruffini cho biết cuộc quyên góp vào ngày 7/10/2024 của các tham dự viên Thượng Hội đồng để trợ giúp giáo xứ Công giáo ở Gaza đã thu được 62 ngàn euro.

Vatican News

Ông Ruffini cho biết cụ thể: 32 ngàn euro đã được quyên góp bởi các tham dự viên Thượng Hội đồng và 30 ngàn euro đã được Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha đóng góp.

Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái cho biết tổng số 62 ngàn euro đã được chuyển qua Sứ thần Tòa Thánh ở Giêrusalem và đã được trao cho Cha Gabriel Romanelli, cha xứ giáo xứ Thánh Gia ở Gaza.

Bỏ phiếu bầu các thành viên của Ủy ban soạn thảo Văn kiện Chung kết

Sau đó, tiếp tục buổi họp báo, ông Ruffini cũng thông báo rằng phần trọng tâm của buổi họp sáng ngày 8/10, với 350 tham dự viên có mặt tại Hội trường Phaolô VI, là bầu 7 trong số 14 thành viên của Ủy ban soạn thảo Văn kiện Chung kết.

Trước khi bỏ phiếu, Đức Cha Riccardo Battocchio đã nhắc lại rằng Ủy ban không soạn thảo tài liệu cuối cùng về mặt vật lý mà giám sát dự án công việc.

Báo cáo của các nhóm ngôn ngữ

Sau cuộc bỏ phiếu, các nhóm ngôn ngữ báo cáo về “sự mới lạ của Đại hội lần này”. Đặc biệt, “các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai tâm Kitô giáo, của các mối quan hệ để hướng tới một Giáo hội ngày càng có tính hiệp hành, của việc hoán cải mang tính hiệp hành là cần thiết và của việc hoán cải trong các mối quan hệ”. Sau đó, “Mối quan hệ giữa các đặc sủng và thừa tác vụ” đã được nhấn mạnh và “làm thế nào để tránh chủ nghĩa tự ái giáo sĩ, vai trò quan trọng của đời sống thánh hiến, thừa tác vụ lắng nghe, sự phân định về thừa tác vụ bằng cách liên kết nó với các bối cảnh truyền giáo, văn hóa và địa phương” đã được thảo luận.

Tầm quan trọng của Khai tâm Kitô giáo

Sau đó, cô Sheila Pires, Thư ký Ủy ban Thông tin, báo cáo rằng “trong 18 bài phát biểu tự do về chủ đề khai tâm Kitô giáo, sau giờ nghỉ, một số diễn giả đã bày tỏ sự cần thiết phải đặt các mối quan hệ, việc hoán cải các mối quan hệ vào trung tâm, như đã từng được nói đến trong báo cáo của các nhóm ngôn ngữ”. Đặc biệt, cô nói thêm, “một số nhấn mạnh sự cần thiết phải hàn gắn các mối quan hệ bị tổn thương do các vụ bê bối trong Giáo hội, bắt đầu từ việc lạm dụng, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin tưởng để củng cố con đường hiệp hành”.

Cô nói: “Có những người đã đề xuất đào sâu về chức phó tế để canh tân Giáo hội, trong khi những người khác lại nhấn mạnh vào giáo hội học của dân Chúa và tầm quan trọng của bác ái và truyền giáo. Tình yêu dành cho người nghèo, được nhấn mạnh, nảy sinh từ Bí tích Thánh Thể: chúng ta phải bác ái, như Tin Mừng dạy, đặc biệt với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người không được mong muốn và những người đôi khi cảm thấy bị loại trừ khỏi Giáo hội”.

Đồng hành với những người mới lãnh nhận Bí tích Rửa tội

Cô Pires cũng cho biết rằng các tham dự viên Thượng Hội đồng cũng nhận thấy rằng “trong thế giới tục hóa, quá trình khai tâm Kitô giáo ngày càng trở nên nền tảng như thế nào. Để trở thành chứng nhân của Tin Mừng, chúng ta phải trở thành những ngôn sứ và cần có một quá trình đào tạo đức tin ngay từ khi còn nhỏ, có sự tham gia của toàn thể cộng đoàn”. Đại hội cũng nhấn mạnh rằng “phải nói về sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo của Giáo hội”. Hơn nữa, “chủ đề về sự tha thứ gắn liền với tình yêu của Chúa Kitô đã được đề cập và được nhắc lại rằng không thể có việc khai tâm Kitô giáo nếu không có cộng đoàn”. Và “vì lý do này, có những người đã yêu cầu sự dấn thân nhiều hơn trong việc đồng hành với những người mới lãnh nhận Bí tích Rửa tội”.

Cuối cùng, cô Pires kết luận, “Đại hội cũng lưu ý rằng Tài liệu Làm việc không đề cập đầy đủ đến một số thực tế trong Giáo hội, về một số phong trào, trong khi tầm quan trọng của những tổ chức này trong đời sống Giáo hội cần được đánh giá cao”. Và một lần nữa, các tham dự viên “yêu cầu sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu đối với mọi người trong các tài liệu của Giáo hội, kể cả các tài liệu của Thượng Hội đồng”.

Thay đổi cách sống của Giáo hội

Phát biểu tại buổi họp báo, Đức tân Hồng Y Ignace Bessi Dogbo muốn nhấn mạnh đến bí tích Rửa Tội. “Nhờ đó chúng ta được nên giống Chúa Kitô và tất cả chúng ta có thể nhận ra mình là con Thiên Chúa và là anh em trong Chúa Kitô”. Và điều này “cho phép mỗi người chúng ta nhìn thấy và tái khám phá con người và khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi người lân cận của chúng ta”. Sau đó, so sánh những gì xảy ra trong Giáo hội hoàn vũ và trong những tuần gần đây, trong phiên họp Thượng Hội đồng, Đức Cha Bessi Dogbo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe lẫn nhau và các mối quan hệ đang được trải nghiệm tại Hội trường Phaolô VI, “trong một bầu không khí đặc biệt của sự cởi mở, hiệp thông và chia sẻ”. “Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thay đổi Giáo hội về mặt vật chất, nhưng chúng tôi đang trong một quá trình sẽ dẫn đến việc thay đổi cách sống của Giáo hội trong tương lai gần”. Ngài kết luận rằng khả năng lắng nghe xuất phát từ chính sự nhìn nhận nhau, điều này “cho phép mọi người có vị trí riêng của mình trong đời sống của cộng đồng Giáo hội”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

09 tháng mười 2024, 12:45