Phụ nữ Bangladesh Phụ nữ Bangladesh  

Phụ nữ Công giáo đầu tiên ở Bangladesh làm thư ký cho thủ tướng

Bà Nomita Halder, phụ nữ Công giáo Bangladesh đầu tiên được bổ nhiệm làm thư ký cho thủ tướng. Bà mời gọi các Kitô hữu dấn thân hơn nữa vào chính trị. Theo bà lý do tại sao có một Ngày dành cho phụ nữ, và không có ngày cho nam giới, bởi vì phụ nữ chưa thực sự được giải phóng. Cần phải trao quyền quyết định cho phụ nữ.

Ngọc Yến - Vatican

“Để có thành công, phụ nữ cần sự hậu thuẫn từ phía gia đình, cộng đoàn và Giáo hội”. Bà Halder khẳng định điều này trong dịp ngày Quốc tế phụ nữ. Bà là người phụ nữ Công giáo đầu tiên được bổ nhiệm làm thư ký riêng cho thủ tướng Banglades. Bà Halder tự nhận mình là “sản phẩm của Giáo hội Công giáo”. Bà nói: “Tôi đã theo học ở các trường do Giáo hội Công giáo điều hành. Các linh mục, nữ tu là mẫu gương của tôi. Tôi được dạy về kỷ luật, thức dậy sớm, không buôn chuyện, đến trường và nơi làm việc đúng giờ. Tôi đã tuân theo tất cả những điều dạy này ngay cả khi tôi thi hành nhiệm vụ của mình”.

Bà Halder là giáo dân thuộc Giáo phận Khulna. Nhờ sự trợ giúp của Giáo hội bà đã theo học tại đại học Nông nghiệp Mymensingh. Bà cho biết chính bà được Đức cha Michael Rozario, lúc đó là Tổng giám mục Dhaka và cha Marino Rigon, nhà truyền giáo 60 năm ở Bangladesh thường xuyên thăm viếng, động viên bà.

Vào năm 2014 bà được bổ nhiệm là thư ký riêng cho thủ tướng Sheikh Hasina. Bà cho biết: “Cuối cùng thì chúng ta sẽ có thể nói rằng ngày Quốc tế Phụ nữ thực sự là ngày của phụ nữ khi phụ nữ có thể đưa ra các quyết định trong gia đình, tại nơi làm việc và ngoài xã hội. Lý do tại sao có một Ngày dành cho phụ nữ, và không có ngày cho nam giới, bởi vì phụ nữ chưa thực sự được giải phóng”.

Theo bà nếu thực sứ muốn cải thiện tình trạng của phụ nữ trong thế giới, cần phải trao quyền quyết định cho phụ nữ. Bà nhấn mạnh rằng các bạn trẻ Kitô không biết có những chỗ dành cho họ trong hành chính công cộng. Bà mời gọi các bạn trẻ học tập và thử trải nghiệm dấn thân trong các nơi này.

Trong thời gian tham gia vào chính trị bà đã trợ giúp cho nhiều người nghèo và các Kitô hữu. Bà cho biết các bộ lạc không biết rằng họ có thể được lãnh nhận các khoản trợ cấp của chính phủ để xây dựng nhà, chăm sóc y tế. Chính bà đã trợ giúp họ hiểu quyền của họ.

Bà Nomita Halder nghỉ hưu vào tháng 9 năm ngoái, hiện nay bà đang chuẩn bị tham gia vào việc giảng dạy ở đại học, để tiếp tục dấn thân vào đời sống xã hội. Bà khuyến khích các kitô hữu tham gia vào chính trị vì “Bước vào chính trị. Các bạn đã có phẩm chất của một chính trị gia tốt và các bạn có thể phục vụ quốc gia”.
 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

10 tháng ba 2019, 11:09