Thổ Nhĩ Kỳ biến thêm một nhà thờ ở Istanbul thành đền thờ Hồi giáo
Hồng Thủy - Vatican News
Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Chora, một địa điểm được nhiều người đến thăm ở quận Fatih của Istanbul, nguyên thuỷ là một nhà thờ Chính Thống Hy Lạp có từ thế kỷ thứ IV, là một phần của một đan viện Byzantine ở Constantinople. Nhà thờ hiện tại được xây từ đầu thế kỷ XIV. Nó được đánh giá cao nhờ những bức tranh khảm và bích họa tầm cỡ.
Bảo tàng Kariye
Sau khi đế quốc Ottoman chinh phục Istanbul vào năm 1453, nhà thờ trở thành đền thờ Kariye, nơi thờ phượng của người Hồi giáo, và các tranh vẽ và tranh khảm trên tường được phủ một lớp thuốc nhuộm và vôi mỏng. Năm 1945, nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thế tục đã tuyên bố tòa nhà là một di tích quốc gia. Công việc bảo tồn và trùng tu mở rộng được thực hiện trên các tác phẩm nghệ thuật của nhà thờ cũ trước khi nó được mở cửa như một bảo tàng vào năm 1958, được gọi là bảo tàng Kariye. Giống như nhà thờ Hagia Sophia, tòa nhà được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Phán quyết đưa đến những quyết định gây tranh cãi
Vào tháng 11 năm 2019, tòa án hành chính hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng Nhà nước, đã ra phán quyết rằng công trình kiến trúc này nên được sử dụng lại như một đền thờ Hồi giáo, với lý do rằng viện bảo tàng là bất hợp pháp vì vi phạm tuyên bố của Ottoman rằng tòa nhà được sử dụng cho việc thờ phượng của người Hồi giáo.
Phán quyết này đã được sử dụng làm tiền lệ cho quyết định gây tranh cãi hồi tháng 7 của tòa án nhằm chuyển đổi nhà thờ Hagia Sophia từ bảo tàng trở lại thành đền thờ Hồi giáo.
Quyết định chuyển nhà thờ Hagia Sophia và Chora thành đền thờ Hồi giáo được cho là một nỗ lực của Erdoğan nhằm kêu gọi cử tri Hồi giáo sau khi đảng AK của tổng thống thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng Istanbul vào năm 2019. (CNA 21/08/2020)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.