Ngày Merdeka-Ngày Quốc khánh Ngày Merdeka-Ngày Quốc khánh 

Giáo hội Malaysia kêu gọi các tín hữu xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn

Trong sứ điệp nhân Ngày Quốc khánh và Ngày Quốc gia, các Giám mục Malaysia mời gọi mọi người cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho quê hương, đồng thời thúc giục tân thủ tướng thi hành lời hứa, hướng dẫn người dân Malaysia coi trọng sự phong phú và đa dạng của mọi văn hoá, tôn giáo và chủng tộc.

Ngọc Yến - Vatican News

Tại Malaysia có hai ngày quan trọng đối với lịch sử và đời sống văn minh của dân tộc: ngày 31/8 được gọi là Ngày Merdeka-Ngày Quốc khánh, kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập (31/8/1957); và ngày 16/9, Ngày Malaysia, kỷ niệm thành lập Liên bang Malaysia (16/9/1963).

Trong sứ điệp có chữ ký của Đức Tổng Giám mục Julian Leow, của Tổng Giáo phận Kuala Lumpur; Đức cha Sebastian Francis, Giám mục của Penang; và Đức cha Bernard Paul, Giám mục của Malacca-Johore, các Giám mục viết: “Chúng ta cử hành các Ngày Quốc gia bằng cách tạ ơn Thiên Chúa vì hoà bình và hoà hợp mà chúng ta đang có theo nhiều cách khác nhau, mặc dù vẫn còn những khó khăn và trở ngại đang chờ đợi chúng ta”.

Sau khi nói đến những khó khăn do đại dịch, các Giám mục đề cập đến cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu từ năm 2020, gây bất ổn lớn trong cả nước, với việc từ năm 2014, chính phủ phải thay đổi hai lần. Các vị mục tử viết: “Có một cảm giác thất vọng và bất lực chung trong cả nước. Chúng tôi hy vọng thủ tướng mới được bổ nhiệm, cùng với các cộng sự tôn trọng lời hứa, sẽ đưa chúng ta thoát ra khỏi các khủng hoảng hiện nay, vì lợi ích của tất cả mọi người. Chúng tôi mong muốn tân thủ tướng hướng dẫn người dân Malaysia coi trọng sự phong phú và đa dạng của mọi văn hoá, tôn giáo và chủng tộc”.

Các Giám mục nhắc đến hiến chương “Rukun Negara-Các Nguyên tắc Quốc gia”, tuyên ngôn triết lý được phê chuẩn trong “Ngày Quốc gia”, năm 1970. Hiến chương định hướng đời sống quốc gia, được hướng dẫn bởi các nguyên tắc: tin Thiên Chúa; trung thành với vua và quê hương; quyền tối cao của Hiến pháp; Nhà nước pháp quyền; tôn trọng và đạo đức. Theo các nguyên tắc này, nếu muốn xây dựng một xã hội thống nhất, tôn trọng, hoà nhập và bền vững, chính phủ và các đảng đối lập phải để qua một bên những khác biệt và tham vọng cá nhân, đồng thời cùng nhau làm việc cho người dân đang rất cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ.

Theo các Giám mục, xây dựng đất nước không thuộc về giới thượng lưu cũng không thuộc về số ít được chọn, nhưng thuộc về tất cả công dân. Trong khi chúng ta yêu cầu các vị lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về vai trò họ đang đảm trách, chính chúng ta cũng phải làm việc để thúc đầy sự thống nhất và hoà hợp.

Sứ điệp kết thúc: “Chúng ta hãy cùng nhau hợp lực để xây dựng, với sự trợ giúp của Chúa và dưới sự hướng dẫn của Người, một tương lai tốt đẹp hơn cho Malaysia, nhưng không quên người nghèo và những người đang cần giúp đỡ”.

Theo điều tra dân số năm 2010, Kitô giáo chiếm 9,2% trong số gần 32 triệu người Malaysia. Hai phần ba trong số 2,6 triệu Kitô hữu sống ở Đông Malaysia, gồm các tỉnh Sabah và Sarawak. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

01 tháng chín 2021, 11:40