Các Giám mục châu Âu kêu gọi các lãnh đạo hành động khẩn cấp cứu trái đất
Ngọc Yến - Vatican News
Trong một thư ngỏ được công bố hôm 27/10/2021, gửi tới tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu, sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 trong những ngày tới đây, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich viết: “Tìm một con đường có khả năng tôn trọng ngưỡng 1,5°C của sự nóng lên toàn cầu là một mệnh lệnh đạo đức”. Và ngài hy vọng “các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ sớm có cơ hội tạo ra sự khác biệt khi họ gặp các nhà lãnh đạo thế giới khác ở Glasgow trong tháng 11 tới đây”.
Trong thư, thay mặt các Giám mục của Liên minh châu Âu, Đức hồng y kêu gọi châu Âu “đóng vai trò hàng đầu ở cấp độ quốc tế để có phản ứng can đảm đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu”. Ngài nhận xét: “Đại dịch Covid đã cho thấy rõ thực tế, mọi thứ đều liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, và sức khỏe của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe của môi trường”.
Trích lời Đức Thánh Cha, Đức Hồng y nói thêm: “Trái đất đang kêu cứu. Trong những tháng gần đây, tiếng kêu đó đã diễn ra dưới hình thức nhiệt độ tăng cao với những kỷ lục bị phá vỡ ở nhiều khu vực; các trận lũ lụt gây chết người và hỏa hoạn tàn phá các cộng đồng trên khắp châu Âu. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán của khoa học và ngưỡng nóng lên toàn cầu 1,5°C là quá gần. Chúng ta đang ở giới hạn”.
Với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban của 27 Hội đồng Giám mục châu Âu, Đức Hồng y Hollerich nhắc lại trách nhiệm của Liên minh châu Âu tại Hội nghị Glasgow: “Phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng sẽ được đánh giá bằng hiệu quả trong việc giảm tác hại cuộc khủng hoảng khí hậu, bằng cách đối xử công bằng với những người dễ bị tổn thương, và bằng thực tế là các biện pháp được thực hiện có khả năng ngăn chặn sự lặp lại của các vụ tàn phá. Trên hết, châu Âu có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và phẩm giá con người, đặc biệt là những người sống trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất”.
Đức Hồng y khẳng định “Chỉ mình châu Âu sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng sinh thái. Nhưng châu Âu có thể và phải đóng vai trò hàng đầu ở cấp độ quốc tế trong các diễn đàn tiếp theo”.
Lá thư đưa ra các yêu cầu cụ thể: Tăng kỳ vọng, cập nhật các mục tiêu quốc gia ngắn hạn về hành động khí hậu và đa dạng sinh học; thực hiện các cam kết tài chính đã hứa để hỗ trợ các tổn thất và thiệt hại ở các nước đang phát triển; tạo điều kiện và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bằng cách ngừng tất cả các cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới và chuyển hướng chúng sang các năng lượng tái tạo có trách nhiệm với xã hội; tôn trọng nghĩa vụ bảo vệ và quyền con người, đặc biệt đối với người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong hành động vì khí hậu và đa dạng sinh học.
Chủ tịch Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu kết thúc thư, bằng cách đảm bảo cam kết của Giáo hội Công giáo châu Âu trong lĩnh vực này, đặc biệt chỉ ra hành động của liên minh ElSia - tập hợp 6 tổ chức Công giáo - dấn thân theo tinh thần Laudato si’ thực hiện các mục tiêu và yêu cầu được chỉ ra.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.