Bách hại các Kitô hữu Bách hại các Kitô hữu  

Trung Đông vẫn là nơi tôn giáo bị bách hại nhiều nhất

Theo báo cáo thứ 12 của Trung tâm Nghiên cứu Pew về “Các hạn chế toàn cầu đối với tôn giáo”, các cuộc tấn công của các nhóm khủng bố đang giảm, nhưng các hạn chế và ràng buộc do chính phủ áp đặt ngày càng gia tăng. Các Kitô hữu vẫn là nhóm tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông.

Ngọc Yến - Vatican News

Báo cáo được công bố trong những ngày vừa qua, dựa trên dữ liệu được thu thập gần đây nhất. Trong năm 2019, trước đại dịch, cho thấy mức độ các cuộc tấn công khủng bố, giết người và bạo lực của các nhóm vì đức tin đang giảm. Các quốc gia có mức độ thù địch xã hội cao nhất là Ấn Độ, Iraq, Israel, Pakistan, Sri Lanka và Syria. Hai quốc gia “châu Âu” duy nhất được coi là có nguy cơ bách hại rất cao là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Nga cũng là quốc gia duy nhất có đa số là Kitô hữu.

Các Kitô hữu vẫn là nhóm tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trên thế giới: ít nhất tại 153 quốc gia, các Kitô hữu là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, lạm dụng hoặc bị tấn công có chủ đích bởi các thực thể có liên hệ với nhà nước hoặc các nhóm tôn giáo khác.

Theo Pew, vào năm 2007, có 79 quốc gia, nơi các Kitô hữu bị các cơ quan chính phủ quấy rối hoặc tấn công; trong vòng chưa đầy 15 năm, hiện tượng này đã tăng gần gấp đôi. Nằm trong số 25 quốc gia hàng đầu thế giới tính theo số dân, Trung Đông và Bắc Phi, Ai Cập  ghi nhận những con số tồi tệ nhất về bạo lực và bách hại do nhà nước, các cơ quan ủng hộ chính phủ hoặc các nhóm tôn giáo. Đối với các cuộc bách hại của chính phủ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thuộc loại “rất cao”.

Trên toàn cầu, 22% quốc gia rơi vào nhóm “cao” hoặc “rất cao” đối với bách hại do các nhóm tôn giáo cực đoan. Cuối cùng là kỷ lục về lạm dụng và bạo lực của chính phủ, với 29% quốc gia ở mức “cao” hoặc “rất cao”. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

13 tháng mười 2021, 13:39