Kitô hữu Nigeria Kitô hữu Nigeria 

Các cuộc tấn công nhắm vào Kitô hữu ở Nigeria giống như một cuộc thánh chiến

Đức cha Wilfred Chikpa Anagbe của giáo phận Makurdi ở Nigeria nói rằng việc phá hủy các nhà thờ, trường học Kitô giáo và sát hại các linh mục và mục sư tại nước này chứng tỏ rằng các cuộc tấn công nhắm vào các Kitô hữu và chúng càng ngày càng giống một cuộc thánh chiến của Hồi giáo chống lại Kitô hữu.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong một thông điệp được tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ công bố hôm thứ Sáu 17/12/2021, Đức cha Anagbe tố cáo rằng “Chính phủ và một số người khác sẽ khiến thế giới tin rằng bạo lực ở Nigeria không liên quan gì đến tôn giáo”, nhưng dường như nó là một cuộc chiến chống lại các Kitô hữu ở nước này.

Đức giám mục giáo phận Makurdi giải thích rằng thủ phạm của các vụ tấn công “chủ yếu đến từ vùng cực bắc của Nigeria và chủ yếu là những người theo Hồi giáo”. “Mô hình phá hoại của họ phản ánh các nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động ở các vùng khác và một số nhóm Nigeria này đã tuyên bố trung thành với các nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria hoặc Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Tây Phi”.

Nhắn tiêu diệt các cộng đồng Kitô giáo và đức tin Kitô

Đức cha nhận định rằng việc phá hủy các nhà thờ và cơ sở y tế “chỉ ra thực tế là hành động khủng bố này dựa trên đức tin và nhằm mục đích tiêu diệt các cộng đồng Kitô giáo và đức tin Kitô”. Trên khắp các khu vực khác của Nigeria, những hành động tồi tệ nhắm vào các Kitô hữu vì đức tin của họ đã trở nên phổ biến. Chúng bao gồm các trường hợp như linh mục và nữ tu bị bắt cóc và chỉ được thả sau khi trả tiền chuộc. Một số bị sát hại dã man ngay cả khi đã trả tiền chuộc để được thả.

Để giải quyết các cuộc khủng hoảng, theo Đức cha Anagbe, các Kitô hữu và người Hồi giáo ở quốc gia Tây Phi cần phải có “một cuộc thảo luận cởi mở về vai trò của đức tin trong xã hội; cần phải nói rõ với nhau những gì mình cảm thấy trong lòng, phải phẫn nộ trước những sự kiện xảy ra ở đất nước chúng ta, về sự đàn áp tôn giáo...”.

Khơi dậy hy vọng

Tuy nhiên Đức cha cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ đảm bảo người dân vẫn lạc quan về tương lai của họ. “Vai trò của chúng ta, các thừa tác viên của Thiên Chúa là khơi dậy hy vọng... Các lãnh đạo phải thực hiện các bước thiết thực của đức tin để chữa lành và khôi phục hy vọng của người dân”. (CNA 19/12/2021)

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

21 tháng mười hai 2021, 10:39