Vũ khí Vũ khí 

Các Giám mục Hoa Kỳ ca ngợi cam kết của các cường quốc về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân

Các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ hoan nghênh tuyên bố chung gần đây của 5 siêu cường hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, và bày tỏ hy vọng Hội nghị Liên Hiệp Quốc xem xét Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ sớm được thông qua.

Ngọc Yến - Vatican News

Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngày 03/01, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) cho biết, họ “tin tưởng mạnh mẽ” việc vũ khí hạt nhân ngày càng lan rộng phải được ngăn chặn, và một cuộc chiến tranh hạt nhân “không thể thắng và không bao giờ phải chiến đấu”.

Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân là một hiệp ước mang tính bước ngoặt. Hiệp ước có 191 quốc gia tham gia, với mục tiêu chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí, thúc đẩy hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và tiếp tục các mục tiêu trong việc giải trừ hạt nhân.

Đức cha David Malloy, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ hoan nghênh tuyên bố này, đồng thời bày tỏ hy vọng của các Giám mục đối với các cuộc đàm phán về Hiệp ước sẽ sớm được thực hiện. Đức cha cũng nhắc lại những lời ngôn sứ của Đức Thánh Cha trong Thông điệp Fratelli tutti: “hòa bình và ổn định quốc tế không thể dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau hoặc hủy diệt hoàn toàn”.

Trong tuyên bố, Đức cha mời “tất cả người Mỹ tiếp tục cầu nguyện và ủng hộ các nhà lãnh đạo của chúng ta để thúc đẩy các mục tiêu quan trọng của việc giải trừ quân bị.”

Hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân lần thứ 10 đã bị hoãn lại, nhưng không thể muộn hơn tháng 02/2022. Tại Hội nghị lần này, các quốc gia thành viên dự kiến sẽ đánh giá việc thực hiện các điều khoản của Hiệp ước kể từ năm 2015, và xác định các lĩnh vực và phương tiện mà qua đó có thể đạt được những tiến bộ hơn nữa.

Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào một số vấn đề: tính phổ quát của Hiệp ước; các biện pháp thiết thực cụ thể nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân; tăng cường các biện pháp bảo vệ để không phổ biến vũ khí hạt nhân; các biện pháp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, an toàn và an ninh; các biện pháp giải quyết việc rút khỏi Hiệp ước và tăng cường hơn nữa quá trình xem xét, cũng như các cách thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự trong việc tăng cường các quy tắc Hiệp ước, và trong việc thúc đẩy giáo dục giải trừ quân bị.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

10 tháng một 2022, 10:35