Các Giám mục Sri Lanka kêu gọi các chính trị gia cứu đất nước
Ngọc Yến - Vatican News
Quốc gia Nam Á với 22 triệu dân đang trải qua khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948, do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Điều này gây ra tình trạng cúp điện kéo dài đến 13 giờ hằng ngày. Việc mất giá đồng tiền đã khiến lạm phát tăng vọt lên 17,5% trong tháng Hai, mức cao nhất cho đến nay, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu vốn đang gặp khó khăn, đặc biệt là người dân.
Trong một tuyên bố, Hội đồng Giám mục Sri Lanka viết: “Tất cả các chính phủ kế tiếp đều phải chịu trách nhiệm ở những mức độ khác nhau đối với tình hình hiện nay. Chính phủ đương nhiệm cũng như những người trong phe đối lập phải áp dụng cách tiếp cận hòa giải, không đối đầu và không được đổ lỗi cho nhau”.
“Đất nước đang tiến đến bờ vực của một quốc gia thất bại, sẽ gây ra những tổn thương không thể hồi phục cho người dân”, các Giám mục cảnh báo, đồng thời kêu gọi các tín hữu và các tổ chức Giáo hội trợ giúp những nhóm dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhất.
Trước đó vào Chúa nhật, Đức Hồng y Malcolm Ranjith của Colombo cũng đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia cứu đất nước, đồng thời kêu gọi tất cả mọi người hoán cải. Ngài nói: “Tình hình bi thảm và gần như vô vọng ngày nay là kết quả của một loạt chọn lựa sai lầm nghiêm trọng không chỉ của các nhà lãnh đạo chính trị trong những năm qua, nhưng còn của chúng ta, những công dân đã để cho mình bị lợi dụng bởi các lợi ích chính trị và văn hóa trong việc lựa chọn những người mà chúng ta đã giao phó vận mệnh của đất nước trong suốt những năm qua”.
Đức Hồng y nhấn mạnh rằng, hiện nay, đất nước đang ở trong một cuộc khủng hoảng đạo đức, chính trị và kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Vì thế, cần phải tỉnh táo, hiểu rằng chúng ta đã phạm sai lầm, rằng một sự khởi đầu mới hoặc một sự chuyển đổi quốc gia là rất cần thiết. Tất cả cùng ở trên một con thuyền, và để không bị chìm, mỗi người cần phải hoán cải, xin ơn Chúa trợ giúp “để mở ra một kỷ nguyên chuyển đổi xã hội, thống nhất, trung thực minh bạch, bình đẳng và pháp quyền, một ý thức sâu sắc về mối quan tâm sâu sắc đến quê hương, đặc biệt người nghèo và những người đau khổ”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.