Các lãnh đạo tôn giáo ở Thánh Địa lên án các hành vi bạo lực
Ngọc Yến - Vatican News
Trong một tuyên bố gửi đến hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, ngày 02/4 vừa qua, các vị lãnh đạo các tôn giáo và các Giáo hội Kitô chia buồn với các gia đình của các nạn nhân bằng cầu nguyện, gần gũi và xin ơn chữa lành cho những người bị thương, nạn nhân của các hành vi bạo lực.
Các vị lãnh đạo bày tỏ lo ngại vì sự gia tăng căng thẳng trong thời gian chuẩn bị những ngày lễ lớn của các tôn giáo: Ramadan của Hồi giáo, Pesach của Do Thái giáo và Tuần Thánh-Phục Sinh.
Tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi yêu cầu các tín đồ của ba truyền thống thể hiện sự tôn trọng nhau và quan tâm đến người khác, giá trị trung tâm giáo lý của mỗi tôn giáo”.
Tuyên bố kêu gọi các nhà cầm quyền thực hiện “các chính sách khoan dung tôn giáo, hạn chế vũ lực và giảm xung đột. Chúng tôi khuyến khích tất cả những người thiện chí đi trên con đường hòa bình, trở thành trung tâm biểu tượng Giêrusalem - ‘Thành Hòa bình’. Bằng cách này, chúng ta có thể trở thành những nhân chứng thực sự của hòa bình được chứa đựng trong trái tim của những niềm tin tôn giáo riêng biệt nhưng đan xen của chúng ta”.
Cũng trong ngày này, các vị lãnh đạo Kitô giáo của Giêrusalem đã lên án việc chiếm đóng Khách sạn Little Petra của nhóm cực đoan Do Thái Ateret Cohanim, được coi là “mối đe dọa đối với sự hiện hữu của khu Kitô giáo ở Giêrusalem và sự chung sống hòa bình của cộng đồng thành này”.
Các vị lãnh đạo các Giáo hội đã nhiều lần cảnh báo “chống lại những hành động bất hợp pháp của những kẻ cực đoan, được tiến hành với sự đe dọa và bạo lực. Khi chiếm tài sản của Nhà thờ Chính thống Hy Lạp, khách sạn Little Petra, Ateret Cohanim đã thực hiện các hành vi tội phạm xâm nhập. Họ hành xử như thể họ đứng trên luật pháp, không sợ hậu quả”.
Theo các lãnh đạo Kitô, vấn đề này “không liên quan đến tài sản cá nhân, nhưng là đặc tính toàn vẹn của Giêrusalem, bao gồm cả khu Kitô giáo. Khách sạn Little Petra nằm trên con đường hành hương của hàng triệu tín hữu Kitô đến thăm Giêrusalem hàng năm. Nó đại diện cho di sản Kitô giáo và nói lên sự hiện diện của chúng tôi ở nơi đây”.
Các lãnh đạo Kitô cho rằng việc Do Thái hóa Giêrusalem sẽ dẫn đến bất ổn và căng thẳng. Các hành vi cưỡng ép và bạo lực không thể dẫn đến hòa bình.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.