Phụ nữ Hàn Quốc Phụ nữ Hàn Quốc 

Các vụ tự tử gia tăng, các Giáo hội Kitô Hàn Quốc thúc đẩy hỗ trợ người nghèo

Các vụ tự tử gia tăng, các Giáo hội Kitô Hàn Quốc kêu gọi chính phủ cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội và thúc đẩy hỗ trợ người nghèo.

Ngọc Yến - Vatican News

Ở Hàn Quốc, các vụ tự tử ngày càng gia tăng, trong năm 2020, quốc gia này có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm 30 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế  (OECD), tương đương cứ 100.000 người thì có 25,6 người tự tử.

Vụ tự tử gần đây nhất ở tỉnh Gyeonggi, ngày 21/8. Người mẹ ngoài 60 tuổi bị ung thư và hai con gái bị bệnh nan y đã tự kết thúc cuộc đời. Bà mẹ để lại một bức thư tuyệt mệnh nói rằng “cuộc sống rất khó khăn do bệnh tật và nợ nần”. Vụ này làm mọi người nhớ đến một trường hợp tương tự vào năm 2014. Một gia đình nghèo ở Songpa, đông nam Seoul sống trong tầng hầm cũng được phát hiện chết do tự tử.

Các Giáo hội Kitô cho rằng cái chết của một phụ nữ và hai con gái là một lời kêu gọi mạnh mẽ đến chính phủ, cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội.

Ông Lee Byung-wook, chủ tịch chi nhánh Hàn Quốc của tổ chức Tình nguyện Công giáo quốc tế, Hội Vincent De Paul, nhấn mạnh sự cần thiết của việc báo cáo và liên lạc tích cực giữa các giáo dân để phát hiện ra những người dễ bị tổn thương. Ông nói: “Hầu hết các giáo dân đều biết hàng xóm của họ cần gì và sống ở đâu. Đời sống cộng đoàn phải là một kênh giao tiếp và chia sẻ như một gia đình, thay vì một dịch vụ hình thức và phô trương. Trong nhiều trường hợp, các gia đình dễ bị tổn thương về kinh tế đã được các quan chức chính quyền địa phương hoặc hàng xóm báo cáo”.

Cha Kim Chang-hae, Giám đốc Văn phòng Truyền giáo Xã hội của Giáo phận Suwon rất đau lòng về cái chết của ba mẹ con và hứa sẽ áp dụng các biện pháp đối phó để giảm bớt những vụ việc như vậy.

Các nhà quan sát cho rằng vụ tự tử này là một lời kêu gọi rõ ràng để chính phủ cải thiện hệ thống phúc lợi. Sau vụ tự tử năm 2014, chính phủ đã nỗ lực để giảm bớt các điểm mù trong hệ thống phúc lợi, nhưng một số sơ hở đã dẫn đến cái chết của một gia đình khác. Các quan chức chính phủ cho biết gia đình của ba người tự tử không nộp đơn xin các quỹ phúc lợi như chương trình trợ cấp an sinh cơ bản. Việc hệ thống phúc lợi ở Hàn Quốc yêu cầu những người đủ điều kiện nhận trợ cấp phải báo cáo việc thay đổi địa chỉ nhà của họ tỏ ra không hiệu quả, vì các gia đình thường chuyển nơi cư trú do bị đuổi ra khỏi nhà và áp lực tài chính. Hiện tại, khoảng 240.000 người đang sống không có địa chỉ cố định do vấn đề nợ nần hoặc mâu thuẫn gia đình.

Hàn Quốc là một quốc gia phát triển và là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á. Tuy nhiên, ước tính chính thức cho thấy khoảng 15% trong số khoảng 51,6 triệu người Hàn Quốc sống trong cảnh đói nghèo.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

07 tháng chín 2022, 10:57