Các lãnh đạo tôn giáo kêu gọi các nguyên thủ quốc gia khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra
Ngọc Yến - Vatican News
Bà Ari Shaw-Obasogie, một chuyên gia chính sách và lập pháp của Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ nói, Giáo hội có vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh: đảm bảo các tham dự viên nghe tiếng nói của những người họ phục vụ, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, và quan điểm của những người bị ảnh hưởng được đưa vào quá trình ra quyết định chính.
Bà lưu ý rằng những người giàu có nhất thế giới, đa số ở Bắc bán cầu phải chịu trách nhiệm chính về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu đang làm nóng hành tinh, trong khi những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khí thải này là những người sống ở Nam bán cầu. Vào tháng 12 năm ngoái cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thế giới đã cho biết: 10% dân số giàu nhất tạo ra một nửa lượng khí thải toàn cầu.
Vì thế vai trò của Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ tại Hội nghị là đưa quan điểm địa phương vào cuộc họp. Cụ thể, tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ và các tổ chức khác sẽ thúc đẩy các quốc gia và những người giàu tham gia Hội nghị phải đền bù cho mọi người về tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Cha Paul Igweta, thành viên của Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Đông Phi (Amecea) đang tham dự Hội nghị nói rằng, các vị lãnh đạo tôn giáo mong đợi các cam kết nghiêm túc và sự sẵn sàng từ các chính phủ tại COP27 để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Một yêu cầu mà các vị lãnh đạo sẽ nêu ra là thực hiện Quỹ Khí hậu Xanh để hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu của các nước đang phát triển. Trong các năm gần đây các quốc gia phát triển đã không thực hiện cam kết cung cấp cho quỹ 100 tỷ đô la mỗi năm cho Quỹ này.
Cha Igweta tin tưởng mọi thứ sẽ khác tại Hội nghị lần này, bởi vì các quốc gia ở châu Phi đang đoàn kết để lên tiếng về biến đổi khí hậu. Cha nói: “Châu Phi là một trong những lục địa bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, chúng tôi sẽ nỗ lực để những gì ảnh hưởng đến chúng tôi phải được giải quyết”.
Tổ chức GreenFaith, một liên minh môi trường liên tôn kêu gọi các chính phủ đẩy nhanh các cam kết tài chính hướng tới việc tiếp cận phổ cập năng lượng tái tạo và chấm dứt ngay lập tức các dự án nhiên liệu hóa thạch mới ở châu Phi. Tổ chức cũng lên tiếng ủng hộ Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, một sáng kiến được tán thành bởi 70 thành phố, trong đó có Kolkata, Los Angeles và London; 101 người đoạt giải Nobel; 3.000 nhà khoa học; 1.750 tổ chức xã hội dân sự; và 500 nhà lập pháp ở các châu lục. Sáng kiến này kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, loại bỏ công bằng sản xuất than, dầu và khí đốt hiện có và cam kết quảng đại về một quá trình chuyển đổi công bằng cho các quốc gia, cộng đồng và người lao động bị ảnh hưởng bởi khí hậu.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.