Các Giám mục Congo phản đối bạo lực gia tăng
Ngọc Yến - Vatican News
Tình trạng bất ổn và bạo lực tiếp tục hoành hành Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi đang chờ đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha vào cuối tháng Giêng. Một cuộc tấn công vào dân làng ở phía đông tỉnh Noth Kivu tuần trước được cho là đã khiến ít nhất 131 thường dân thiệt mạng.
Các Giám mục Congo gửi một thư ngỏ mời mọi người tham gia cuộc tuần hành phản đối bạo lực. Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, Tổng Giám Mục của Kinshasa viết: “Cuộc tuần hành của chúng ta không mang nghĩa chính trị, nhưng là chỉ cho thế giới thấy rằng chúng ta là một dân tộc, đoàn kết vì chính nghĩa quốc gia, đoàn kết vì chủ quyền của đất nước và vì phẩm giá của nhân dân chúng ta”.
Với tràng hạt trên tay, Thánh giá, biểu ngữ, mọi người vừa đi vừa cầu nguyện và hát thánh ca trên khắp thủ đô Kinshasa và một số thành phố khác.
Trong cuộc tuần hành, ngoài việc tố cáo bạo lực do nhóm vũ trang Phong trào 23/3 gây ra, những người biểu tình còn tố cáo sự im lặng của cộng đồng quốc tế, mà theo họ là đồng loã với các lực lượng chiếm đóng xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Theo những người biểu tình, trong số các quốc gia “cướp tài nguyên thiên nhiên” ở Congo có Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Bỉ. Họ cũng tố cáo cách hành xử của Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Cộng đồng các quốc gia Đông Phi mà theo họ là không rõ ràng.
“Cộng đồng quốc tế thể hiện thái độ đạo đức giả và sẵn sàng đến mức đồng lõa”, một tuyên bố được những người tham gia biểu tình ở Kinshasa công bố, trong đó chính quyền Congo được yêu cầu thực hiện một loạt biện pháp. Trước tiên, tái cơ cấu các dịch vụ an ninh. Thứ hai, các nhà chức trách Congo được kêu gọi đẩy mạnh quá trình rút khỏi lãnh thổ Congo của Tổ chức Phái bộ Gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc, Cộng đồng các quốc gia Đông Phi và Tổ chức Quốc tế của các quốc gia nói tiếng Pháp.
Ngày 08/12, sau cuộc điều tra, Liên Hiệp Quốc xác nhận nhóm vũ trang Phong trào 23/3 (M23) ở miền đông Cộng hoà Dân chủ Congo đã sát hại ít nhất 131 người và gây ra tội tác nghiêm trọng đối với thường dân.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết thêm sau các vụ tấn công, lực lượng nổi dậy đã ngăn cản những người sống sót rời khỏi những ngôi làng bị cướp phá và chôn xác nạn nhân. Do những hạn chế về an ninh, các nhà điều tra không thể tiếp cận các ngôi làng. Thay vào đó, họ đã nói chuyện với những người sống sót và nhân chứng ẩn náu tại một căn cứ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở một thị trấn gần đó.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.