Nhà thờ Chính toà Jakarta, Đền thờ Hồi giáo Istiqlal: Biểu tượng khoan dung tôn giáo ở Indonesia
Ngọc Yến - Vatican News
Indonesia, với hơn 17.000 hòn đảo, là quốc gia có đa số Hồi giáo đông dân nhất thế giới, với tỉ lệ là 85%. Một số công dân của quốc gia này thực hành các tôn giáo khác như Ấn giáo, Phật giáo, Nho giáo và Kitô giáo.
Ở cả cấp quốc gia và địa phương, đối thoại và mối quan hệ liên tôn có tác động cả tích cực và tiêu cực đến cuộc sống của người dân Indonesia, trong khi quốc gia tiếp tục nỗ lực để điều khoản của hiến pháp về quyền tự do tôn giáo được bảo đảm.
Một ví dụ nổi bật về mối quan hệ liên tôn là Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu (Gereja Santa Maria Pelindung Diangkat ke Surga) ở Jakarta, nằm đối diện với nơi thờ phượng lớn nhất của Hồi giáo, đền thờ Hồi giáo Istiqlal.
Sự gần gũi của hai nơi thờ phượng không phải ngẫu nhiên: đền thờ Hồi giáo được xây dựng gần nhà thờ Công giáo tượng trưng cho triết lý của quốc gia “sự thống nhất trong đa dạng” (Bhinneka Tunggal Ika) và cũng là khẩu hiệu quốc gia, nhằm thúc đẩy mong muốn về một vùng đất nơi tất cả các tôn giáo cùng hiện hữu trong hòa bình và hòa hợp.
Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu
Bà Susyana Suwadie, nhân viên Quan hệ Công của giáo phận Jakarta và Nhà thờ Chính tòa đã giải thích với Vatican News rằng, sự hiện diện của Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu là một bước ngoặt lịch sử trong tương quan với đền thờ Hồi giáo.
Bà cho biết công trình xây dựng nhà thờ theo phong cách tân Gothic bắt đầu vào năm 1890 nhưng phải hoãn lại vì thiếu kinh phí. Năm 1899, công trình được tiếp tục thực hiện, và cuối cùng đã được hoàn thành và cung hiến vào ngày 21/4/1901.
Khi thiết kế nhà thờ, kiến trúc sư, cha Antonius Dikjman, Dòng Tên người Hà Lan đã tính đến những trận động đất của hòn đảo. Trần nhà được làm bằng gỗ tếch của các khu rừng Indonesia và ngọn tháp bằng hỗn hợp đá và kim loại.
Nhà thờ được thiết kế theo hình thánh giá, với những bức tường dày để đỡ các dầm gỗ tếch tạo thành mái nhà. Bàn thờ chính, nhà tạm và thánh giá bằng vàng được làm ở Hà Lan vào thế kỷ 19 và được đặt vào nhà thờ vào năm 1956. Bên trái là bàn thờ Đức Mẹ được hoàn thành vào năm 1915, và bên phải là bàn thờ Thánh Giuse được thực hiện vào năm 1922.
Nhà thờ cũng có một bảo tàng lưu giữ nguồn gốc Công giáo ở nước này. Các thương nhân và các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha như thánh Francis Xavier đã đến dạy giáo lý và rửa tội cho hàng ngàn người dân địa phương.
Bà Suwadie chỉ ra những nét đặc thù của nhà thờ bao gồm một bức tượng Đức Mẹ mặc trang phục Batik truyền thống của Indonesia. Trên áo choàng, có thể nhìn thấy hai con rối nổi tiếng của Indonesia đại diện cho trí tuệ và sự thịnh vượng.
Bà lưu ý rằng Nhà thờ Chính toà là địa điểm trung tâm của nhiều người Công giáo trong khu vực. Vào mỗi Chúa nhật, các tín hữu thường đến rất đông để tham dự Thánh lễ.
Đền thờ Hồi giáo Istiqlal
Đền thờ Hồi giáo Istiqlal nằm đối diện Nhà thờ Chính Toà được thiết kế vào năm 1954 bởi Frederich Silaban, một kiến trúc sư Kitô giáo đến từ Bắc Sumatra.
Một viên chức của đền thờ Hồi giáo giải thích rằng Istiqlal có nghĩa là “độc lập”, nhắc đến cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Indonesia được tượng trưng bởi tòa nhà. Ý tưởng về một đền thờ Hồi giáo quốc gia được lấy cảm hứng từ nhà lãnh đạo Hồi giáo KH Wahid Hashim và được thực hiện bởi Cokro Aminoto, khi đó là bộ trưởng các vấn đề tôn giáo.
Đền thờ Hồi giáo có diện tích 22 mẫu Anh và có tổng cộng năm cấp, đại diện cho năm trụ cột của đạo Hồi. Rất nhiều cấu trúc được làm từ đá cẩm thạch của Đông Java. Nơi thờ phượng có một mái vòm dài 45 mét và tòa tháp duy nhất cao 66,66 mét - ám chỉ đến 6,666 câu của Kinh Koran.
Sảnh cầu nguyện chính được bao phủ bằng một tấm thảm màu đỏ trang trí công phu và được phân chia thành nhiều phần, bên phải cho phụ nữ và bên trái dành cho nam giới. Ngoài ra còn có một số thư pháp Ả Rập trên tường viết tên của Allah và Muhammed. Sảnh cầu nguyện mở ra một khoảng sân rộng với các không gian cầu nguyện hình chữ nhật riêng biệt, tất cả đều hướng về phía Thánh địa Mecca.
Một điểm đặc biệt của đền thờ Hồi giáo quốc gia này là sự hiện diện của một chiếc trống lớn làm bằng da bò. Trống được sử dụng để kêu gọi các tín đồ cầu nguyện. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong số nhiều lãnh đạo đã đến thăm nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng này.
Đường hầm tình huynh đệ
Sự gần gũi giữa Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu và đền thờ Hồi giáo đã thúc đẩy sự hợp tác với nhau, đặc biệt đối với việc sử dụng các bãi đậu xe dành cho các tín đồ của hai tôn giáo. Bãi đậu xe của đền thờ Hồi giáo được các Kitô hữu sử dụng trong Thánh lễ đêm vọng Phục sinh và Giáng sinh, và tương tự như vậy, bãi đậu xe của Nhà thờ được mở rộng cho người Hồi giáo trong các buổi cầu nguyện Eid.
Hai nơi thờ phượng cũng được liên kết với nhau bằng một đường hầm ngầm. Đường hầm này được Tổng thống Joko Widodo đặt tên là “đường hầm tình huynh đệ” và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.
Trong tương lai, đường hầm, sẽ được trang trí với các tác phẩm nghệ thuật, biểu hiện sự khoan dung tôn giáo, quốc gia và truyền thống, và vì con đường cho phép thông giao giữa cả hai khu phức hợp, hy vọng rằng việc thông giao sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác huynh đệ và đối thoại liên tôn trên quần đảo.
Nỗ lực xây dựng tình huynh đệ của Giáo hội Công giáo
Đối với Giáo hội Công giáo ở Indonesia, tình huynh đệ là một trong những ưu tiên trong hoạt động mục vụ. Trong một cuộc gặp gỡ liên tôn gần đây, Đức Hồng Y Ignatius Suharyo, Tổng Giám Mục của Jakarta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hợp tác với các tôn giáo khác. Ngài nói: “Chúng tôi cố gắng xoá những cụm từ ‘thiểu số và đa số’ ra khỏi từ vựng của chúng tôi, bởi vì tất cả chúng tôi đều là công dân Indonesia”. Ngài cho biết thêm, thực tế, trong hơn 20 năm qua, các vị lãnh đạo tôn giáo luôn có chung ý tưởng thúc đẩy tình huynh đệ. Tuy nhiên những nỗ lực này không phải là không có những thách đố, vì có những người sử dụng tôn giáo cho mục đích chính trị, hậu quả là phá hoại mọi nỗ lực xây dựng tình huynh đệ đích thực.
Đức Hồng Y cũng nhìn nhận những nỗ lực của nhà nước trong việc đảm bảo một sự cân bằng về tôn giáo giữa hơn 700 sắc tộc ở Indonesia. Ngài tái khẳng định rằng Giáo hội Công giáo đang nỗ lực thúc đẩy hoà bình trên thế giới, một nguyên tắc đã có trong hiến pháp của đất nước.
Chính phủ ủng hộ các tôn giáo
Chính phủ của quốc gia đa số Hồi giáo này luôn có sự quan tâm đến các tôn giáo hiện diện trong đất nước. Tại một sự kiện diễn ra trong tháng 3 vừa qua, ông Aceng Zaeni, lãnh đạo Cục Giáo dục và Vấn đề Tâm linh của Jakarta, cho biết các nhà thờ Kitô giáo, đền thờ Hồi giáo và chùa Phật giáo đều được trợ cấp từ chương trình Hỗ trợ Hoạt động Nơi thờ phượng do ông Baswedan giới thiệu vào năm 2019. Cụ thể Thống đốc Anies Rasyid Baswedan của Jakarta tài trợ gần 11 triệu đô la Mỹ để trùng tu hơn 3.679 nơi thờ phượng, trong đó có 1.379 nhà thờ. Số tiền tài trợ cũng được dùng để trả lương cho nhân viên nhà thờ và giáo viên trong các trường học Chúa nhật.
Trước đó, chính quyền Jakarta đã tài trợ 11 tỷ rupi Indonesia, tương đương khoảng 786.000 đô la, cho việc trùng tu ít nhất là 65 nơi thờ phượng.
Lãnh đạo Cục Giáo dục và Vấn đề Tâm linh của Jakarta giải thích rằng thông qua việc tài trợ này, chính quyền mong muốn thúc đẩy lòng bao dung của tất cả các tôn giáo ở Jakarta.
Chính phủ Indonesia luôn tin tưởng vai trò hoà hợp tôn giáo của Giáo hội Công giáo. Cũng tại một Hội nghị diễn ra vào tháng 3 do Uỷ ban đối thoại liên tôn của Hội đồng Giám mục Indonesia tổ chức tại Bali, ông Yaqut Cholil Qoumas, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia nhắc lại cam kết của chính phủ trong việc tăng cường hoà hợp tôn giáo, xã hội và chung sống hòa bình giữa các công dân thuộc các tôn giáo khác nhau trong xã hội. Ông nói: “Nhờ cách tiếp cận dựa trên sự tôn trọng, hoà hợp và khoan dung, những căng thẳng giữa các tín đồ của các tôn giáo được giảm bớt. Qua các hành động hỗ tương tôn giáo, chúng ta gặp gỡ nhau và có thể thúc đẩy hợp tác lẫn nhau”.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn mời Đức Thánh Cha và Đại giáo trưởng Hồi giáo của Al-Azhar, Ahmed Al-Tayeb cùng hành hương đến Indonesia, để thúc đẩy tình huynh đệ giữa các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo. “Hai vị sẽ có thể thấy rằng ở Indonesia có tình bạn, hợp tác và đối thoại trong cuộc sống thường ngày của các Kitô hữu và người Hồi giáo”, ông lưu ý và nhắc lại rằng Indonesia là một quốc gia đa nguyên, với các ngôn ngữ, dân tộc, văn hóa, và các tôn giáo khác nhau. Bộ trưởng Quomas cho biết ông rất ấn tượng trước sự cởi mở và thiện chí của Đức Thánh Cha, thể hiện trong nhiều dịp, đối với các đại diện dân sự và tôn giáo của nước này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.