IRAQ-RELIGION-CHRISTIANITY-CATHOLIC-CHALDEAN

ĐHY Sako kêu gọi các Kitô hữu Iraq không theo khuynh hướng bè phái

Đức Hồng Y Louis Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê ở Iraq kêu gọi các Kitô hữu ở trong nước và hải ngoại hiệp nhất, không theo khuynh hướng bè phái, bị kích động bởi lợi ích chính trị.

Vatican News

Trong sứ điệp được công bố vào Chúa nhật vừa qua gửi đến “các Kitô hữu Canđê trên toàn thế giới”, Đức Hồng Y Sako bày tỏ sự đau lòng vì xu hướng bè phái đang phá hủy ý thức thuộc về quốc gia Iraq, và ngay cả các Kitô hữu cũng đang bị lôi kéo vào điều này.

Đức Thượng Phụ đưa ra lời kêu gọi hiệp nhất trong thời điểm được coi là rất quan trọng đối với các cộng đoàn Kitô. Một thời điểm quyết định trong đó sự sống còn của các cộng đoàn Kitô hữu ở Iraq dường như bị đe doạ không chỉ bởi những kẻ thù bên ngoài, nhưng còn bởi những tham vọng và chia rẽ bè phái đang chia rẽ tâm hồn các anh chị em trong Chúa Kitô.

Nhắc lại Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào hay nhà nào tự chia rẽ, thì sẽ không tồn tại” (Mt 12, 25), Đức Thượng Phụ đề cập đến những ảnh hưởng quốc tế và khu vực cũng như các đảng phái tham nhũng đang tìm cách chia rẽ người Iraq thành những cộng đồng bè phái, đánh mất cảm thức thuộc về một quốc gia.

Theo ngài, ở Iraq, người dân hiện tuyên bố mình thuộc về cộng đoàn Shiite, Sunni, Kurd và Kitô, còn chính phủ thì bị nhấn mình trong xu hướng bè phái, dường như không có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia của đất nước.

Ngài thú nhận trong chuyến viếng thăm gần đây tới Bỉ và Hà Lan rằng ngài cảm thấy đau lòng khi chứng kiến sự chia rẽ của các cộng đoàn Kitô hữu. Có những người còn vận động để thành lập một đảng mới. Ngài nói: “Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu dẫn chúng ta đến chỗ tự huỷ diệt”.

Một lần nữa, Đức Thượng Phụ tuyên bố ủng hộ sự hiệp nhất các Giáo hội, đồng thời nhắc lại rằng hiệp nhất đạt được nhờ những người mạnh mẽ chứ không phải từ những người cơ hội. Theo ngài, những chia rẽ đang xâm nhập vào đời sống của các Kitô hữu ở Iraq và Trung Đông đều có bản chất chính trị. Ngài kết luận: “Không có sự cứu rỗi nào nếu không có đoàn kết và liên đới, đặc biệt khi số Kitô hữu ở Iraq đang giảm và sự hiện chúng ta đang bị đe doạ”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

21 tháng hai 2024, 12:13