Các Giám mục Kenya phê bình chính phủ cản trở sứ vụ Giáo hội
Vatican News
Trong một cuộc họp báo gần đây tại thủ đô Nairobi, các Giám mục Kenya đã đề cập đến một loạt vấn đề, bao gồm giáo dục, chi phí vô lý của giấy phép làm việc truyền giáo và các khoản nợ tê liệt của các bệnh viện phát sinh qua Quỹ Bảo hiểm Y tế Quốc gia.
Lo ngại về những thay đổi trong tương quan giữa Giáo hội và chính phủ, Đức Tổng Giám Mục Maurice Muhatia Makumba của Kisumu, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya nói: “Chúng tôi lo ngại về ý định cố ý làm suy yếu vai trò của Giáo hội Công giáo, và các tôn giáo khác như những biện pháp bảo vệ đạo đức trong xã hội. Chúng tôi đặc biệt phê bình sự lật đổ này trong các lĩnh vực giáo dục và y tế”.
Theo các Giám mục, trong Dự luật Giáo dục Cơ bản 2024, chính phủ đã vi phạm thỏa thuận ban đầu giữa Giáo hội và nhà nước về cách quản lý các cơ sở giáo dục do Giáo hội thành lập. Lịch sử đã cho thấy rất rõ công lao thành lập và nuôi dưỡng các cơ sở giáo dục của các nhà truyền giáo. Cho tới nay, Giáo hội Công giáo điều hành 31% khu vực giáo dục của đất nước và sở hữu hơn 7.000 trường học. Điều này đã mang lại cho đất nước những nhà lãnh đạo và tôi luyện nền tảng đạo đức xã hội Kenya. Vì thế các Giám mục lên án và bác bỏ kế hoạch có hệ thống nhằm làm suy yếu vai trò quản lý của Giáo hội với tư cách là người sáng lập các trường học.
Các Giám mục cũng bày tỏ lo ngại về một luật mới trao cho Bộ Giáo dục quyền đơn phương giải thể, sáp nhập, chuyển đổi hoặc hợp nhất các trường đại học tư, bao gồm cả các trường dựa trên đức tin. Các ngài cũng phê bình việc tăng quá mức phí cấp giấy phép lao động cho các nhà truyền giáo. Điều này hoàn toàn phi đạo đức và thể hiện sự thiếu biết ơn đối với những người cống hiến cuộc đời cho lợi ích của xã hội.
Các bệnh viện do Giáo hội điều hành cũng đang gặp khó khăn. Theo các Giám mục, từ khi Kenya giành độc lập vào năm 1963, các tổ chức này đã bổ sung cho những nỗ lực của chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho những người cần giúp đỡ nhất, nhưng đang bị “tê liệt” do chính phủ không thể thanh khoản số tiền khổng lồ mà họ nợ Quỹ Bảo hiểm Bệnh viện Quốc gia. Hậu quả là hầu hết các bệnh viện của Giáo hội đều bị tê liệt và không thể hoạt động tối ưu, nhiều bệnh viện không thể mua thuốc và trả lương cho nhân viên.
Cuộc họp báo cũng đề cập đến chi phí sinh hoạt và đánh thuế quá cao, khiến cuộc sống của hầu hết người dân trở nên vô cùng khó khăn và gây nên cuộc đình công của bác sĩ từ giữa tháng 3. Các Giám mục nói mặc dù yêu cầu của các bác sĩ là “xứng đáng”, nhưng các bác sĩ phải đặt mạng sống và lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu. Đức Tổng Giám Mục Muheria nhấn mạnh: “Sự sống con người không bao giờ được sử dụng như một phương tiện thương lượng. Mỗi mạng sống đều có giá trị hơn bất kỳ lợi ích tài chính hoặc việc làm nào”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.