Tình trạng sách nhiễu Kitô giáo ở Thánh Địa gia tăng đáng báo động
Hồng Thủy - Vatican News
Dữ liệu được thu thập theo sáng kiến được đề ra bởi Trung tâm Rossing về Giáo dục và Đối thoại, một tổ chức liên tôn và xây dựng hòa bình có trụ sở tại Giêrusalem, để ghi lại sự sách nhiễu mà các Kitô hữu phải gánh chịu.
Các vụ xách nhiễu gia tăng
Theo báo cáo, đã có 90 vụ tấn công được biết đến vào năm 2023. Dữ liệu cho thấy sự gia tăng đáng chú ý về các trường hợp khạc nhổ (30 khiếu nại), quấy rối thể lý và bằng lời nói (11), cũng như các cuộc tấn công vào tài sản của Kitô giáo (32).
Mới đây, vụ tấn công Cha Nikodemus Schnabel, tu viện trưởng Tu viện Đức Mẹ An nghỉ của Dòng Biển Đức, được quay trực tiếp trên sóng, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ.
Một số hành vi bạo lực chống lại các Kitô hữu đã gây chú ý vào năm 2023, ví dụ như việc xúc phạm nghĩa trang Tin lành ở Núi Sion và việc phá hoại một tượng Chúa Giêsu bên trong đền thờ Chúa chịu đánh đòn của dòng Phanxicô ở đường Via Dolorosa.
Camera an ninh ghi lại hành vi khạc nhổ liên tục trên cả Via Dolorosa và phía trước Nhà thờ Thánh Giacôbê của Giáo hội Armeni.
Theo bà Federica Sasso, biên tập viên của báo cáo, “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.
Cha Enrico Maiorano, một tu sĩ Dòng Capuchino cho biết ngài đã phải chịu những cuộc tấn công như vậy, đặc biệt là ở Thành phố Cổ Giêrusalem.
Các biện pháp giải quyết tình trạng thù địch chống Kitô hữu
Báo cáo nhấn mạnh “nhu cầu cấp thiết về các nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết tình trạng thù địch leo thang chống lại các Kitô hữu ở Giêrusalem và ủng hộ một cách tiếp cận toàn diện bao gồm sự lên án của các cơ quan nhà nước và tôn giáo, thực thi pháp luật, giáo dục, sự tham gia của cộng đồng, sự tham gia của giới truyền thông và nhận thức quốc tế”.
Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra một số đề xuất cụ thể, bao gồm “tăng cường sự can thiệp của cảnh sát, tăng cường sự hiện diện của cảnh sát tại các khu vực quan trọng và nâng cao nhận thức về các cuộc tấn công nhằm vào các Kitô hữu; tổ chức đào tạo về Kitô giáo cho các thành viên cảnh sát địa phương, chính quyền thành phố và các cơ quan hữu trách khác; cải tiến chương trình giảng dạy về Kitô giáo trong hệ thống giáo dục công lập; sự lên án mạnh mẽ hơn từ chính quyền và giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái; và khuyến khích các cộng đồng Kitô giáo báo cáo [các cuộc tấn công]”. (CNA 11/06/2024)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.