Các trường Công giáo Libăng đón tiếp các học sinh di tản
Hồng Thủy - Vatican News
Cha Mouin Saba, hiệu trưởng Trường các Thánh Tông đồ ở Jounieh, cho biết khoảng 3/4 các trường Công giáo đang giảng dạy trực tiếp, nhưng nếu cần thiết, các trường sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cha cảm tạ Chúa vì các trường Công giáo vẫn đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, các trường học ở một số khu vực, như phía nam và Thung lũng Bekaa, cũng như ở các khu vực dễ bị gián đoạn, đã tạm thời đóng cửa.
Theo Bộ Giáo dục Libăng, khoảng 40% trong số 1,5 triệu học sinh của nước này đã phải di dời do các cuộc không kích của Israel.
Giáo hội đang chia sẻ những gì có thể
Trường của cha Saba đang đón tiếp các học sinh phải di dời, nhưng theo cha, những người phải di dời nên được ở những địa điểm do nhà nước quản lý. Cha giải thích: “Bởi vì viện trợ quốc tế mà Libăng đang nhận được hiện nay được chuyển đến đó hoặc cho các tổ chức phi chính phủ, chứ không phải cho các trường Công giáo”.
Cha cũng nhấn mạnh điều quan trọng là viện trợ từ bên ngoài thực sự phải đến được với những người phải di dời bằng cách được tổ chức và phân phối cách nghiêm túc.
Cha cho biết thêm rằng hầu hết các trường Công giáo đang gặp khó khăn khi đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế đáng kể. Cha chia sẻ: “Cộng đồng Kitô hữu giàu lòng nhân đạo, đức tin và tinh thần dân tộc nhưng lại bị kiệt quệ về mặt kinh tế; tuy thế bản tính con người đang chiếm ưu thế và mọi người đang chia sẻ những gì có thể”.
Các trường Công giáo ở Libăng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp giáo dục tốt cho đất nước trong bối cảnh xung đột nội bộ và bên ngoài.
Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Libăng đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp trẻ em nước này bị gián đoạn giáo dục đáng kể. Theo Ngân hàng Thế giới, việc giáo dục bị gián đoạn liên tục dự kiến sẽ có tác động lâu dài, với khả năng phải mất nhiều thế hệ để phục hồi.
Vai trò của Kitô hữu trong nỗ lực chào đón người di tản
Cha Saba kêu gọi các giải pháp có hệ thống và hành động toàn diện của quốc gia để giải cứu Libăng khỏi tình trạng khó khăn hiện tại. Cha nói: “Libăng cần được giải cứu, không chỉ là viện trợ, phẩm giá của quốc gia phải được khôi phục thông qua việc khôi phục nhà nước”.
Cha cũng chỉ ra vai trò của các Kitô hữu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm bệnh viện, trường học và đại học, và trong những nỗ lực gần đây nhằm chào đón và hỗ trợ những người phải di dời. (Uca News 15/10/2024)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.