ĐHY Parolin: Sự hợp tác giữa các quốc gia đang khủng hoảng, cần tìm kiếm cách thức để đạt được hoà bình
Vatican News
Trong bài tham luận, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại tầm quan trọng của việc làm trung gian của Tòa Thánh trong việc giải quyết các xung đột, qua các công cụ ngoại giao. Hoạt động làm trung gian này diễn ra âm thầm ở các quốc gia và vào những thời điểm khác nhau.
Đức Hồng Y đề xuất ba khía cạnh quan trọng trong việc giải quyết xung đột: thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các quốc gia và tìm kiếm các công cụ giúp đạt được hòa bình. Nhân kỷ niệm 40 năm ký kết “Hiệp ước Hòa bình và Tình bạn Argentina-Chile”, ngài nhấn mạnh rằng đây không chỉ kỷ niệm một sự kiện, nhưng còn là việc đưa ra những bài học cho hiện tại và tương lai về việc ký kết thỏa thuận này trao cho chúng ta.
Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh: “Bài học hiện tại của sự kiện này là giúp Argentina và Chile tránh chiến tranh và thiết lập sự hợp tác. Chúng ta đã biết sự hợp tác này đã lan rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau như thế nào và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Đó là một ví dụ về việc giải quyết các xung đột, đặc biệt trong thế giới của chúng ta, nơi xung đột ngày càng gia tăng và chúng ta phải tìm kiếm cách thức giúp tìm ra giải pháp. Do đó, Hiệp ước có chiều kích hiện tại và tương lai”.
Tập trung vào chủ đề “cuộc khủng hoảng” sự hợp tác của các quốc gia, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói: “Ngày nay trên thế giới có nhiều vấn đề toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn cầu, nhưng nếu không có sự hợp tác của mọi người thì không thể tìm ra giải pháp. Hiện nay, sự cộng tác của các quốc gia đang gặp khủng hoảng, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, người dân, các quốc gia, coi mình là đối thủ đến mức trở thành kẻ thù”.
Đức Hồng Y kết luận, cho rằng cần vượt qua thái độ đối đầu này và tái khám phá sự tin tưởng lẫn nhau cũng như cùng nhau làm việc vì công ích. Ngày nay có rất nhiều vấn đề toàn cầu cần được giải quyết ở cấp độ toàn cầu, nếu không có sự tin tưởng và hợp tác, nếu không sự hợp tác giữa các quốc gia, nghĩa là không có sự tham gia của mọi người, thì không thể tìm ra giải pháp.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Argentina, ông Enrique Candioti đề cập đến hơn 600 cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn tại Vatican trong sáu năm, nhấn mạnh hoạt động làm trung gian của Tòa thánh và đặc biệt là sự can thiệp của Thánh Gioan Phaolô II: “Tôi nghĩ đó là một ví dụ về nỗ lực to lớn của Tòa Thánh với hai chính phủ nhằm giải quyết một vấn đề đã diễn ra trong một thời gian dài và đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Về phía Chile, đại sứ Milenko Skoknic tập trung vào di sản của thoả thuận, đó là ơn gọi hoà bình của các quốc gia trên thế giới, cũng là trung tâm hoạt động của Toà Thánh và Giáo hội Công giáo. Ông nhắc lại từ năm 1978 đến 1984 cả hai bên đã bước vào một quá trình hoà giải rất dài. Không ai mất niềm tin, ngay cả khi khó có thể tiếp tục vì không có tiến triển, nhưng niềm tin của Toà Thánh luôn khích lệ hai quốc gia hành động. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là học cách nhận ra và từ bỏ những thứ khác. Nếu mọi người đến với yêu cầu cao nhất của mình thì hòa bình sẽ không bao giờ đạt được. Dù có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta cũng phải bằng cách nào đó thay đổi về tinh thần và nghĩ về lợi ích của hòa bình giữa các dân tộc, và từ quan điểm này, hiểu được những gì chúng ta có thể đạt được và làm được”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.