Mappa Corea del nord e Corea del Sud, confine

Triều Tiên giam tù những công dân vượt biên hồi hương có liên hệ với Kitô hữu

Theo báo cáo của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, những người Triều Tiên vượt biên sang Trung Quốc và bị hồi hương sẽ bị đưa đến các trại tù chính trị nếu họ có liên hệ với một Kitô hữu khác.

Hồng Thủy - Vatian News

Tình trạng trên được nêu lên trong tài liệu “Bị bách hại và bị lãng quên?”, một báo cáo về các Kitô hữu bị phân biệt đối xử hoặc đàn áp vì đức tin của họ, được công bố nhân dịp Tuần lễ Đỏ, một sáng kiến của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ nhằm thu hút sự chú ý đến việc đàn áp tôn giáo.

Kitô hữu bị kỳ thị

Theo tổ chức của Tòa Thánh, số Kitô hữu ở Triều Tiên còn khoảng 98 ngàn, chiếm 0,38% dân số. Tuy nhiên, họ bị chính quyền cộng sản Triều Tiên xem là mối đe dọa đối với nhà nước nên họ phải sống trong tình trạng “hầm trú”.

Những người Triều Tiên vượt biên giới sang Trung Quốc, rồi trốn đến các nước khác, chủ yếu là Thái Lan, sau đó xin tị nạn tại đại sứ quán Hàn Quốc và được đưa về Hàn Quốc. Một số người bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và trả về Triều Tiên.

Theo tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, nhiều người vượt biên bị hồi hương này được giảm án, nhưng “những người tiếp xúc với Kitô giáo” lại bị giam giữ “trong các trại tù chính trị, trên thực tế, là bản án chung thân không được ân xá”. Nếu hồ sơ của những người vượt biên có bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo thì họ chắc chắn sẽ bị giam trong các trại, bất kể họ có nói gì về điều đó.

Tổ chức Tòa Thánh khẳng định Triều Tiên bị xếp hạng quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới đối với Kitô giáo, người dân được phân loại theo lòng trung thành với Nhà nước, vì vậy “các tín hữu tự động bị xếp vào loại ‘thù địch’ và phải chịu sự đàn áp không ngừng”.

Những nhà truyền giáo trong tù

Illyong Ju, một người vượt biên khỏi Triều Tiên và hiện nay là Kitô hữu, tố cáo: “[Những người đào ngũ hồi hương] đang bị buộc phải thú nhận trước thông tin về 1.000 người chưa được hồi hương về Triều Tiên”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng trong số những người đào ngũ “sẽ có những người tin vào Chúa Giêsu và những người sẽ truyền bá Phúc Âm bất cứ nơi nào họ đến. Giống chị Kim, người làm việc với tôi và bị buộc hồi hương, đã truyền giáo cho tám người khi ở trong nhà tù ở Triều Tiên. Vì vậy, chúng tôi tin rằng những người bị buộc phải hồi hương về Triều Tiên sẽ trở thành những thành viên tuyệt vời của Dân Chúa, những người sẽ nói lên sự áp bức của chế độ Triều Tiên”. (ACI Prensa 26/11/2024)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

27 tháng mười một 2024, 12:09